Theo đó, phần đất dự án Xây dựng nhà văn hóa thôn 3B xã Canh Nậu và thôn Phú Thu xã Lại Thượng sẽ do UBND các xã quản lý, thực hiện công tác thu hồi đất để thực hiện dự án. Các hạng mục chức năng, gồm nhà văn hóa được xây dựng 1 tầng đảm bảo nhu cầu sử dụng, như: Sân khấu, hội trường, phòng chuẩn bị, sảnh, hành lang, thiết bị bàn ghế, phông rèm..., cùng các hạng mục phụ trợ (cổng, san nền, kè đá, tường rào...). Tổng mức đầu tư dự kiến 10,5 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn ngân sách huyện và vốn đề nghị ngân sách TP Hà Nội hỗ trợ.
“Dự án thuộc loại công trình dân dụng cấp III, nhóm C, với mục tiêu hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tổ chức hội nghị, tạo điều kiện giao lưu, gắn kết cộng đồng dân cư, tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã Canh Lậu và Lại Thượng” - ông Nguyễn Mạnh Hồng cho hay.
Cũng theo đại diện UBND huyện Thạch Thất, hiện nay, huyện tiếp tục triển khai 71 dự án xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông; 100% tuyến đường ngõ, xóm được bê tông hóa hoặc nhựa hóa gắn với hệ thống thoát nước...
Đặc biệt, về phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống Nhân dân, huyện đẩy mạnh, khuyến khích tích tụ ruộng đất, cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao ở các xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân, Đại Đồng, Lại Thượng, Dị Nậu, Canh Nậu, Phú Kim.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cơ cấu kinh tế của huyện Thạch Thất tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng và Thương mại - Dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp.
Năm 2010, cơ cấu kinh tế Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng chiếm 66,6%; Thương mại - dịch vụ - du lịch 18%; Nông - Lâm - Thủy sản 15,4%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 13,1 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2020 cơ cấu lần lượt là 70,2%, 23,2% và 6,6%; Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 70 triệu đồng/người/năm.