Ưu tiên đầu tư cho giáo dục
Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng cho biết, trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện ưu tiên đầu tư cho giáo dục đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường học. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định chỉ tiêu đến hết năm 2025 có trên 90% trường học công lập trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia.
Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã được các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn, trường học chủ động triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện Thạch Thất hiện vẫn còn những khó khăn cũng như tồn tại, hạn chế.
Hiện nay, tỷ lệ trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập đạt chuẩn quốc gia của huyện Thạch Thất đạt thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra và so với mặt bằng chung các quận, huyện, thị xã.
Trên địa bàn huyện có 58/82 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 70,73%. Nhiều trường đến hạn công nhận lại nhưng cơ sở vật chất đã xuống cấp, thiếu đồng bộ, không đảm bảo quy cách. Các văn bản quy định về tiêu chí trường học đạt chuẩn quốc gia có nhiều thay đổi, nhiều tiêu chuẩn yêu cầu ngày càng cao hơn.
Nhiều dự án xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trường học đang triển khai thực hiện; việc giao biên chế của Thành phố cho ngành giáo dục huyện hàng năm thấp hơn nhiều so với định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất cho rằng, Thường trực HĐND huyện mong muốn thông qua Phiên giải trình các cấp chính quyền từ huyện, đến xã, thị trấn sẽ làm rõ hơn về thực trạng, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân có liên quan, từ đó đề ra giải pháp đồng bộ, kịp thời tại phiên giải trình để triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Phấn đấu từ nay đến cuối nhiệm kỳ bằng các nguồn lực đầu tư để huyện đạt tỷ lệ trường học công lập đạt chuẩn quốc gia trên 90% theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội 24 Đảng bộ huyện đã đề ra.
Vượt lớp, vượt số học sinh/lớp do dân số cơ học tăng nhanh
Báo cáo tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 120 cơ sở giáo dục, trong đó có 82 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập, 1 Trung tâm GDNN-GDTX, 37 cơ sở giáo dục ngoài công lập, với 1.838 lớp, nhóm, lớp, 62.580 học sinh. So với đầu nhiệm kỳ, tăng 13 cơ sở giáo dục, trong đó có 10 nhóm lớp mầm non, 2 trường liên cấp ngoài công lập, 1 trường THPT công lập.
Toàn huyện có 1.573 phòng học lý thuyết, 364 phòng bộ môn, 439 phòng hành chính quản trị, 335 phòng hỗ trợ học tập, 246 phòng phụ trợ, 21 nhà đa năng, 49 nhà bếp, 646 khu vệ sinh của học sinh, 198 khu vệ sinh của giáo viên và các hạng mục phụ trợ khác… Tổng số 4.012 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên biên chế và hợp đồng tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, TT GDNN-GDTX.
Hiện nay, một số trường, lớp học còn vượt lớp, vượt số học sinh/lớp do dân số cơ học tăng nhanh, nhất là số trường đóng trên địa bàn có làng nghề, khu công nghiệp.
Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến về việc tăng, số lượng học sinh ở lớp so với quy định, tháo gỡ khó khăn khi trường được công nhận chuẩn quốc gia nhưng sau lại không được công nhận do cơ sở vật chất xuống cấp, không đồng bộ,... đồng thời đề nghị ông Đỗ Toàn Thắng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thất giải trình.
Sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đỗ Toàn Thắng cho hay, ở một số khu vực của huyện Thạch Thất, do dân số tăng, người từ nơi khác về khu vực làm ăn, sinh sống nên có một số lớp vượt học sinh so với quy định. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng, mở rộng không thể nhanh, đáp ứng việc tăng nhanh của dân số.
Trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đánh giá, dự tính về tăng dân số để đầu tư các công trình trường học, sớm đưa vào sử dụng cũng như khuyến khích một số mô hình trường học tư nhân. Thời gian tới, sẽ khởi công nhiều trường học mới nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.
Cũng tại phiên giải trình, bà Vũ Thị Lệ Quyên - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thạch Thất đã thông tin về việc một số cán bộ nghỉ hưu nên thiếu 8 cán bộ quản lý ở một số trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn. Trưởng phòng Tài chính kế hoạch, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, đại diện UBND xã, hiệu trưởng trên địa bàn huyện giải trình ý kiến của đại biểu.
Đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng đã tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng của Thường trực HĐND huyện, của các đại biểu HĐND huyện.
Đối với những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và những dự án đã có nguồn kinh phí được phân bổ năm 2024, UBND huyện sẽ chỉ đạo thực hiện ngay để hoàn thành kế hoạch năm 2024; Đối với những nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo và những nội dung khó khăn về nguồn lực, vướng mắc về cơ chế, chính sách… UBND huyện báo cáo Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND huyện quan tâm chỉ đạo để UBND huyện tiếp tục triển khai thực hiện.
Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND Nguyễn Minh Hồng cho rằng, đã có 11 đại biểu HĐND huyện đặt câu hỏi, nêu yêu cầu giải trình, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện, đại diện lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Thạch Thất đã tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã giải trình, đi thẳng vào những nội dung được đại biểu HĐND huyện và cử tri quan tâm, làm rõ những tồn tại, khó khăn và đề xuất, tham mưu các giải pháp, giải quyết trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng đề nghị UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thực hiện hiệu quả công tác xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện.
Thực hiện tốt công tác tự đánh giá trường, đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục và công khai kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc học, cấp học. Tiếp tục thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn.