Huyện Thạch Thất: Giáo viên vượt đồi núi giúp học sinh học trực tuyến

Lại Tấn – Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế khó khăn, địa hình phức tạp, sóng wifi yếu, việc kết nối internet ngắt quãng; nhiều gia đình học sinh không có máy tính, điện thoại thông minh… là những hạn chế về việc dạy và học trực tuyến ở các xã miền núi của huyện Thạch Thất. Tuy nhiên, ngành giáo dục huyện Thạch Thất đã quan tâm đến từng trường hợp giáo viên, học sinh để giờ dạy và học không gián đoạn.

Chất lượng đường truyền hạn chế

Con đường liên thông dài gần 10km từ trung tâm huyện Thạch Thất vào sâu trong thung lũng được bao quanh bởi sông, núi và những cánh đồng xanh mướt dẫn chúng tôi đến xã Yên Bình. Khác với trước đây, những đoạn đường khúc khuỷu, con dốc vắng bóng người qua đã được mở rộng, kiên cố hóa vững chắc. Cùng với hạ tầng kỹ thuật, trường học ở xã Yên Bình đã được đầu tư nâng cấp.
 Trường THCS Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội).

Sau cái bắt tay nồng ấm, phấn khởi, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Bình Lê Mạnh Hùng chia sẻ: “Trường THCS Yên Bình có 16 lớp, 31 giáo viên và 568 học sinh. Năm học mới, thầy và trò thực hiện việc học trực tuyến trong thời gian giãn cách do dịch Covid-19”.

Mặc dù vậy, theo các giáo viên trường THCS Yên Bình, chất lượng đường truyền internet của xã Yên Bình còn hạn chế việc dạy và học nhiều thời điểm bị gián đoạn. Hiệu trưởng Trường THCS Yên Bình Lê Mạnh Hùng cho biết: “Trước đây, học sinh ở cả 3 cấp gồm THPT, THCS và Tiểu học đều học buổi sáng. Có trường hợp, 2 vợ chồng là giáo viên và 2 con đều học một buổi, dẫn đến mạng bị chậm.

Bên cạnh những khó khăn về đường truyền, việc dạy học trực tuyến tại xã Yên Bình còn bị tác động bởi những yếu tố khách quan như địa lý và khí hậu hay chất lượng thiết bị dạy vào học. Theo giáo viên trường THCS Yên Bình một số thầy cô thiết bị giảng dạy chưa đảm bảo điều kiện (cấu hình máy yếu) nên có hiện tượng bị thoát khỏi lớp. Mặt khác, có một số máy tính, điện thoại của phụ huynh đã dùng lâu, pin cũ nên học sinh đang học hết pin. Đồng thời, tháng 9, thời tiết ở xã Yên Bình thường có mưa lớn, kèm theo sấm sét và gió mạnh. Có trường hợp, học sinh đang trong tiết học thưa với giáo viên sợ sấm sét dẫn đến chập điện nên xin phép để tắt máy nghỉ.
 Phòng tin học của trường THCS Yên Bình.

Ngoài những khó khăn kể trên, theo Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất Kiều Đăng Cường: Năm học 2021 – 2022, Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất đã thống kê được 162 học sinh (cấp THCS là 47 học sinh, tiểu học là 105 học sinh) chưa có đầy đủ trang thiết bị học.

Khắc phục khó khăn

Xã Yên Bình có nhiều học sinh nhà ở sâu trong xóm, bị núi đồi che chắn, không có wifi nên phải học qua mạng 4G. Tuy nhiên, sim 4G có yếu điểm là dung lượng ít, có trường hợp học sinh chỉ học 1 tiết đã hết. Vì vậy, thầy Vũ Đức Hùng – giáo viên giảng dạy thể dục trường THCS Yên Bình đã vượt đồi núi, đến nhà học sinh, khảo sát và lựa chọn sim, gói cước hợp lý cho các em. Thầy Đỗ Trí Long khi biết học sinh không có thiết bị học đã mang máy cá nhân đến nhà cho học trò mượn và giúp đỡ gia đình mua thiết bị mới. Bên cạnh đó, trường THCS Yên Bình đã nâng cấp gói đường truyền internet tốc độc cao để hạn chế việc dạy học trực tuyến bị ảnh hưởng.
 Học sinh THCS Yên Bình học online. Ảnh: Giáo viên cung cấp.

Theo Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất Kiều Đăng Cường: “Đối với học sinh thiếu trang thiết bị học, các trường chủ động vận động, hỗ trợ bằng nguồn lực tại chỗ để tháo gỡ. Vừa qua, học sinh thiếu thiết bị tại trường THCS Tân Xã đã được tập đoàn Viettel tài trợ, tặng máy tính bảng và sim 3G-4G”. Đối với giáo viên chưa có trang thiết bị dạy học đảm bảo chất lượng, nhà trường sắp xếp phòng dạy học đảm bảo điều kiện tối thiệu về hạ tầng kỹ thuật như đường truyền, hệ thống máy tính để thầy cô làm việc.

Đặc biệt, với 2 xã Tiến Xuân – Yên Trung (huyện Thạch Thất) đang thực hiện cách ly do có trường hợp liên quan đến Covid-19, Phòng GD&ĐT huyện đã trao đổi với nhà trường kịp thời nắm bắt tình hình. Hiệu trưởng và nhân viên y tế nhà trường thường xuyên quan tâm, thăm hỏi học sinh. Hiện nay, học sinh tại 2 xã Tiến Xuân, Yên Trung vẫn tiếp tục học trực tuyến trong thời gian cách ly tại nhà.

Thực tế trên cho thấy, gánh nặng trong việc khắc phục những khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình dạy học online đang dồn lên giáo viên, học sinh và phụ huynh. Để khắc phục khó khăn, hướng tới mục tiêu việc học trực tuyến đạt kết quả như mong muốn, ngành GD&ĐT và giáo viên trên địa bàn huyện Thạch Tất đã quan tâm, thấu hiểu từng hoàn cảnh khó khăn học sinh. Qua đó, thầy và trò từng bước bắt nhịp được với những kiến thức, công nghệ hiện đại, sẵn sàng chủ động học tập trong mọi tình huống.