Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thạch Thất: Hiệu quả từ mô hình PGS trong sản xuất rau sạch

Vũ Vân - Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật (TT&BVTV) TP Hà Nội, Trạm TT&BVTV huyện Thạch Thất phối hợp với xã Hương Ngải triển khai thực hiện mô hình PGS duy trì kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia giữa người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong sản xuất rau tại xã Hương Ngải. Qui mô 55,5ha, thực hiện trên 3 nhóm rau: Rau ăn lá, rau ăn quả và rau ăn củ với gần 30 loại rau.

Quy trình sản xuất an toàn
Bà Phí Thị Nhiên - một trong những hộ thực hiện mô hình PGS (hệ thống đảm bảo chất lượng trong sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn) tại xã Hương Ngải cho biết: Mô hình của gia đình bà trồng hơn một mẫu rau. Áp dụng mô hình PGS với sự tham gia giám sát của cộng đồng đã có những tính năng vượt trội, tức là có sự giám sát lẫn nhau, những hộ làm rau đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất cũng như sử dụng thuốc BVTV an toàn.
“Ngay cả đối với bón phân đạm mặc dù không phải là thuốc bảo vệ thực vật, nhưng qua công tác tuyên truyền chúng tôi biết được trong đó có hàm lượng các chất độc nên sau bón đạm phải qua 10 ngày mới thu hoạch để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và người dân cũng ý thức được khi phun thuốc chỉ phun những loại thuốc có trong danh mục tập huấn. Chính vì vậy rau sản xuất ra được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn” - bà Phí Thị Nhiên chia sẻ.
Mô hình PGS trong sản xuất rau mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Hương Ngải. Ảnh: Vũ Vân

Mục tiêu thực hiện mô hình nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm rau an toàn và từng bước nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an toàn được kiểm soát. Mô hình PGS đảm bảo có sự tham gia của các bên liên quan như người tiêu dùng, đơn vị phân phối, thu mua, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác.
Quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ trong sản xuất và kiên quyết loại bỏ những sai phạm nghiêm trọng trong sản xuất.
Năng suất, chất lượng tăng cao
Ngay từ đầu năm 2020, Trạm TT&BVTV huyện Thạch Thất đã tổ chức hội nghị với đơn vị liên quan và các hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất để thống nhất chủ trương, phương thức thực hiện. Định kỳ họp với các nhóm trưởng, nông dân sản xuất để rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai, tập huấn, hướng dẫn quy trình, giám sát và đôn đốc các thành viên trong tổ thực hiện đúng những nội dung trong mô hình, định kỳ kiểm tra đồng ruộng, nhắc nhở những sai phạm nhỏ trong quá trình sản xuất như cách ủ phân chuồng, sử dụng chế phẩm sinh học, xử lý tàn dư cây trồng, hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại trên rau đúng kỹ thuật.
Thực hiện thu gom và xử lý tàn dư cây trồng được làm kịp thời, phát hiện và nhắc nhở các hộ sử dụng phân bón, kỹ thuật chặm sóc sai quy trình. Đôn đốc các hộ sản xuất ghi chép nhật ký đồng ruộng. Đã tổ chức cho 70 hộ nông dân được tập huấn về ghi chép nhật ký đồng ruộng và cấp phát sổ viết nhật ký về việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón... tới các hộ sản xuất.
Đồng thời triển khai các tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất nhằm tuyên truyền những giải pháp trong canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại trên rau đạt hiệu quả, giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học và sản phẩm đảm bảo an toàn. Triển khai 2 thử nghiệm sử dụng màng phủ Passlite hạn chế sâu bệnh hại trên rau cải.
Ứng dụng màng phủ passlite có hiệu quả khống chế được các đối tượng sâu bệnh gây hại, đặc biệt là bọ nhảy, sâu tơ, sâu xanh bướm trắng... mang lại năng suất, chất lượng cho sản phẩm, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, giải quyết được bài toán quản lý sâu bệnh trong sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ hiện nay. Sử dụng màng phủ passlite cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với không che phủ.
Bên cạnh đó, đã thực hiện thử nghiệm sử dụng bẫy dính màu trong phòng trừ sâu hại trên cây dưa chuột với diện tích 6 sào bắc bộ. Quá trình triển khai treo bẫy dinh màu cho thấy hiệu quả của bẫy dính đã dẫn dụ và diệt trừ được trưởng thành của một số loại sâu hại góp phần giảm sâu non gây hại và cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất tăng 1,2 - 1,3 lần so với không treo bẫy và giảm đáng kể việc sử dụng thuốc BVTV, mang lại sản phẩm an toàn.
Trưởng trạm TT&BVTV huyện Thạch Thất Phùng Thị Hường cho biết, để đánh giá kết quả của công tác chỉ đạo, giám sát và thực hiện quy trình sản xuất rau đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương, Chi cục TT&BVTV Hà Nội đã tiến hành lấy 8 mẫu rau các loại tại vùng sản xuất rau của xã Hương Ngải để phân tích dư lượng 14 hoạt chất thuốc BVTV.
“Qua kết quả phân tích mẫu rau 100% các mẫu rau đảm bảo an toàn thực phẩm. Có thể thấy sau khi triển khai thực hiện mô hình, nhận thức của các hộ nông dân sản xuất rau và việc thực hiện các quy trình kỹ thuật ngày càng được nâng lên. Sản lượng sản xuất và chất lượng sản phẩm được tăng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng” - bà Phùng Thị Hường cho hay.