Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thạch Thất: Tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng vụ Xuân

Vũ Vân - Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 2 ngày, 11 - 12/3, Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) phối hợp với các xã: Hương Ngải, Dị Nậu, Phú Kim, Kim Quan, Thạch Xá, Canh Nậu, Chàng Sơn và thị trấn Liên Quan tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại cho lúa và cây màu vụ Xuân năm 2021 đã thu hút 700 bà con nông dân của các địa phương tham gia.

Vụ Xuân năm nay toàn huyện đã hoàn thành việc gieo cấy lúa trong khung thời vụ và hoàn thành trên 100% kế hoạch diện tích gieo cấy. Hiện nay các trà lúa xuân của huyện đang trong thời kỳ đẻ nhánh. Các ngành chuyên môn, các địa phương đang tập trung chỉ đạo bà con nhân dân chuyển trọng tâm sang chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại đầu vụ.
Tại các lớp tập huấn các học viên được  Trưởng trạm Trồng trọt – Bảo vệ thực vật huyện Thạch Thất Phùng Thị Hường hướng dẫn kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa. Biện pháp chăm sóc, bón phân cho cây trồng vụ xuân, phòng trừ chuột và ốc bươu vàng gây hại. Cách nhận biết, đặc điểm và quá trình sinh trưởng, vòng đời của các loại sâu bệnh dịch hại trên cây lúa và cây rau màu để tổ chức phòng trừ có hiệu quả và thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”, gồm: Đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách trong sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật.
Ứng dụng máy bay không người lái sẽ tạo nên cuộc cải cách trong nông nghiệp.
Đồng thời khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để sớm phát hiện bệnh hại sớm, giúp phòng trừ hiệu quả và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng vụ xuân.
Tại khóa tập huấn các đại biểu cũng được giới thiệu mô hình ứng dụng dịch vụ phòng trừ dịch hại bảo vệ thực vật bằng công nghệ cao sử dụng máy bay không người lái tại một số quốc gia phát triển. Theo đó, khi dùng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sẽ được tách ra thành những hạt mịn nhỏ và phun đều lên các bộ phận của cây trồng, mang lại hiệu suất gấp hơn 20 lần so với hiệu suất của một người phun thuốc bằng phương pháp thủ công. “Việc ứng dụng máy bay không người lái sẽ tạo nên cuộc cải cách trong nông nghiệp tại địa phương, giúp nền nông nghiệp của địa phương ngày càng phát triển, đời sống người nông dân được cải thiện” – bà Phùng Thị Hường cho hay.