Chiều 8/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thất đã có báo cáo nhanh về công tác triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024 trên địa bàn, tính đến 13h chiều 8/9, lượng mưa trên địa bàn từ ngày 7/9 đến 8/9 là 194mm. Mực nước sông Tích tại trạm thủy văn Kim Quan thời điểm 13h00 ngày 8/9 là 8,20m (báo động 1 là 6,8m, báo động 2 là 7,6m, báo động 3 là 8,4m).
Tính đến 13h chiều 8/9, huyện Thạch Thất không có thiệt hại về người; sập 1 nhà kho khung thép, cấp 4 lợp mái tôn chứa đồ chơi tại khu đấu giá xã Dị Nậu; sập 1 gian nhà kho của HTX nông nghiệp Hương Ngải 200m2, 2 gian chăn nuôi 55m2; 80m2 nhà tạm vách tôn ở xã Đồng Trúc; sập 3 chuồng nuôi 650m2 ở xã Phú Kim; tốc mái tôn 5.407m2.
Bên cạnh đó, có 2.196 cây lấy gỗ, bóng mát bị gãy, đổ. Số cây đổ, gãy đã được các xã, thị trấn xử lý ngay đảm bảo giao thông. Bị đổ 639,2ha lúa mùa, 119,6ha rau màu, 2ha cây ăn quả. Có 132,7ha bị ngập úng; 55,2ha rau màu bị dập nát hoàn toàn. Đổ 1.694m tường bao; đổ 20 cột điện, 8 cột viễn thông. Sạt lở 150m3 đất ở xã Yên Bình và Thạch Xá. Có 3 xe ô tô bị cây đổ đè gây hư hỏng.
Hiện tại, Xí nghiệp thủy lợi Thạch Thất vận hành 8 trạm bơm tiêu úng đầu mối với tổng số 33 tổ máy bơm.
Đối với công tác khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, sự cố đê điều trong thời gian tới, UBND huyện Thạch Thất yêu cầu UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của UBND huyện.
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn.
Tổ chức lực lượng, tập trung dồn lực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn, kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, sớm đưa các hộ dân phải di dời để đảm bảo an toàn về ổn định cuộc sống. Khắc phục ngay các sự cố về cây gãy, cột điện gãy để đảm bảo giao thông thông suốt và cung cấp điện trở lại ở các khu vực bị ảnh hưởng. Chỉ đạo nhân dân tổ chức khắc phục hậu quả về sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Huy động sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, đoàn thể, nhất là đoàn viên thanh niên, phụ nữ quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách.
Kiểm tra, tiếp tục tổ chức cắt tỉa cây xanh nhất là các cây ở gần nhà dân, công trình tâm linh, công trình công cộng, gần đường dây điện để hạn chế ảnh hưởng khi thời tiết được dự báo tiếp tục có mưa lớn và các cơn bão năm 2024. Chỉ đạo nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường, rác thải, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm sau bão.
Tiếp tục rà soát, cập nhật và triển khai hiệu quả phương án ứng phó thiên tai, sự cố, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.
Các xã Cẩm Yên, Lại Thượng, Phú Kim, Liên Quan, Kim Quan, Thạch Xá, Cần Kiệm (có đê Tả Tích) chỉ đạo lực lượng canh đê gác cống trực 24/24h, thường xuyên tuần tra đê để kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố. Các xã có bờ bao sông Tích gồm Kim Quan, Cần Kiệm, Hạ Bằng, Tân Xã, Đồng Trúc cử lực lượng thường xuyên kiểm tra bờ bao, các vị trí có nguy cơ sự cố, nguy cơ tràn để tổ chức lực lượng xử lý, không để nước sông tràn vào đồng.
Các xã, thị trấn bị ngập úng cục bộ trong khu dân cư, đường làng, ngõ xóm chỉ đạo nhân dân chủ động khơi thông dòng chảy ở các trục kênh tiêu, các rãnh thoát nước, tua vớt rác ở các miệng hố ga để đảm bảo tiêu thoát nước nhanh chóng. Cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng chốt chặn hai đầu đường, các khu vực bị ngập sâu, không để người dân và các phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn đề phòng các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Các xã vùng đồi núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Thạch Hòa, Thạch Xá, Cần Kiệm, Kim Quan: Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở đất để chủ động phương án đảm bảo an toàn, có biện pháp quyết liệt để giảm thiệt hại về tài sản và không để xảy ra thiệt hại về người do sạt lở đất gây ra.