Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thạch Thất và Quốc Oai gắn kết các sản phẩm du lịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/4, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức hai buổi làm việc với huyện Thạch Thất và Quốc Oai về rà soát, triển khai thực hiện các điểm du lịch trên địa bàn hai huyện.

Thạch Thất là huyện có tiềm năng du lịch phong phú với 209 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật có giá trị cùng hàng chục làng nghề. Mỗi địa phương trên địa bàn huyện đều có lễ hội riêng gắn với truyền thống, lịch sử của làng xã. Nhiều môn nghệ thuật cổ truyền được lưu giữ, bảo tồn và được khôi phục như: Chèo Canh Nậu, Đại Đồng; múa rối nước Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá… Năm 2015, du khách đến với Thạch Thất đạt hơn 140 ngàn lượt người.

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của huyện chưa thực sự phong phú và hấp dẫn. Các sản phẩm chủ yếu mới tập trung ở du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa. Dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; các dịch vụ hỗ trợ du lịch chưa hấp dẫn; thiếu khu du lịch, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại có tầm cỡ và tính cạnh tranh.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại buổi làm việc với huyện Quốc Oai chiều 20/4.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại buổi làm việc với huyện Quốc Oai chiều 20/4
Nguyên nhân là do chưa có sự liên kết giữ các vùng miền, sự phối hợp với các tổ chức điểm hình thành các tour, tuyến du lịch hợp lý để phát triển tiềm năng du lịch ở địa phương. Cơ sở vật chất du lịch như cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ còn khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng...

Lãnh đạo huyện Thạch Thất đề xuất, Sở Du lịch Hà Nội cần thường xuyên mở các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở; hỗ trợ kinh phí để huyện xây dựng video giới thiệu di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, bộ tượng thời Tây Sơn Bảo vật quốc gia và các di tích tiêu biểu để tuyên truyền, quảng bá; bổ sung di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương và tour chùa Tây Phương - chùa Thầy vào tour du lịch văn hóa tâm linh phí Tây TP; hỗ trợ kinh phí bảo tồn phát huy nghệ thuật múa rối nước, Cồng chiêng và một số loại hình văn hóa tiêu biểu đồng bào dân tộc Mường; tăng cường phối hợp trong việc lập quy hoạch tổng thể phát huy tác dụng di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu vui chơi giải trí phục vụ du lịch. 

Đối với huyện Quốc Oai, đây là địa phương có khoảng 300 di tích, trong đó có 82 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, nổi bật nhất là quần thể danh thắng chùa Thầy. Bên cạnh đó, huyện có núi Thầy và núi Vua Bà còn khá nhiều cổ vật có niên đại khoảng 2000 năm. Cùng với đó là Dự án Tuần Châu Hà Nội với tổng diện tích 88,9ha dự kiến khai trương ngày 6/6/2016.

Toàn huyện Quốc Oai có 61 làng nghề, trong đó 16 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Quý I/2016, lượng khách đến Quốc Oai đạt 47.387 lượt, tổng thu đạt 321 triệu đồng. Kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt khác, sản phẩm du lịch của huyện còn đơn điệu, thiếu tính hấp dẫn, chất lượng các DN du lịch không đồng đều… 

Huyện Quốc Oai đề nghị, các cấp xem xét có cơ chế tạo điều kiện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn huyện sớm hoàn thành, khai thác, đưa vào sử dụng có hiệu quả; tiếp tục xem xét, đầu tư nâng cấp điểm du lịch thắng cảnh chùa Thầy, tạo thành điểm liên kết với các tuyến, điểm du lịch khác trên địa bàn TP; Đối với các dự án đã được phê duyệt không có tính khả thi, chậm triển khai, huyện đề nghị UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng xem xét chuyển giao các đơn vị khác cơ đủ năng lực để đầu tư có hiệu quả; đề nghị Sở Du lịch Hà Nội quan tâm cho triển khai xây dựng 8 khu nhà vệ sinh công cộng bằng nguồn vốn của Nhà nước…

Kết luận hai buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng đề nghị huyện Thạch Thất và Quốc Oai rà soát tổng thể tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, nguồn lực, hạ tầng, các làng nghề, nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn huyện. Hàng năm, 2 huyện cần có kế hoạch phát triển du lịch; đưa sản phẩm du lịch, loại hình văn hóa phi vật tiêu biểu tham gia các hoạt động do Sở Du lịch tổ chức hoặc phối hợp tổ chức như sự kiện Liên hoan Làng nghề Hà Nội…

Ông Hồng khẳng định, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tổ chức các đoàn lữ hành đến Thạch Thất và Quốc Oai để khảo sát xây dựng tour, tuyến và đưa khách đến địa phương; tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, nhân viên điểm đến, các hộ làm du lịch…; hỗ trợ các huyện làm biển báo, chỉ dẫn tại các điểm đến... 

Trước mắt, đối với huyện Thạch Thất, ông Hồng đề nghị tập trung đầu tư, phát triển làng nghề mộc Chàng Sơn gắn với chùa Tây Phương để phát triển du lịch. Còn huyện Quốc Oai tập trung khai thác chùa Thầy và Khu du lịch Tuần Châu Hà Nội phục vụ du khách.

Thời gian tới, huyện Thạch Thất và Quốc Oai cần tăng cường gắn kết để phát triển tour chùa Thầy - chùa Tây Phương phục vụ du lịch. Trong đó, mỗi điểm điến cần lưu ý hoàn thiện các điều kiện cần thiết như: Bãi đỗ xe; Trung tâm thông tin; Hạ tầng du lịch; Khu giới thiệu làng nghề…