Ngày 1/6, huyện Thanh Oai tổ chức hội nghị Sơ kết thực hiện Đề án 193/ĐA-UBND của UBND huyện về việc tang văn minh, tiến bộ giai đoạn 2015 – 2020 và những năm tiếp theo (Đề án 193).
Tiết kiệm chống lãng phí hàng chục tỷ đồng
Thông tin về kết quả thực hiện Đề án 193, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết, thời gian qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn huyện Thanh Oai đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Từ việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những chủ trương, mục tiêu trong việc thực hiện tang văn minh, tiến bộ đã dần thay đổi tư duy về tang lễ của người dân trên địa bàn huyện. Nhờ vậy đã tạo nhiều chuyển biến tích cực như: Ý thức của mỗi người, mỗi gia đình về việc tang ngày càng tiến bộ; việc tang được tổ chức tiết kiệm, trang trọng, văn minh; các hủ tục, lạc hậu đã được xóa bỏ, việc hỏa táng người quá cố được quan tâm.
Sau 7 năm triển khai thực hiện Đề án 193, tỷ lệ ca hoả táng tăng so với cùng kỳ năm 2015 là 33,1%; tỷ lệ hỏa táng trung bình của giai đoạn 2016 – 2022 là 44,9%.
Bên cạnh đó, toàn huyện di chuyển được hơn 1.000 mộ nằm rải rác tại khu vực canh tác vào nghĩa trang. Nghĩa trang Nhân dân ở hầu hết các xã, thị trấn đều được quy hoạch, việc xây dựng mộ cơ bản đúng theo quy định góp phần tiết kiệm đất, giảm chi phí, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhờ thực hiện tang văn minh, tiến bộ, toàn huyện tiết kiệm chống lãng phí hàng chục tỷ đồng chi phí từ các đám tang so với các đám tang truyền thống những năm trước đây, giảm tỉ lệ đất quay vòng để chôn cất mỗi năm hàng nghìn m2. Tiền vòng hoa cũng được tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm; giảm hàng ngàn ngày công lao động, vệ sinh môi trường được đảm bảo.
Đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng quản lý nghĩa trang
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho biết, hiện, một số nghĩa trang nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn từ nhiều năm, do diện tích nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu an táng tại địa phương. Bên cạnh đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang ở một số cơ sở còn nhiều hạn chế, thủ tục nhập quan, phát tang còn rườm rà. Tỷ lệ hỏa táng ở một số xã còn thấp so với mức bình quân chung của huyện.
Đáng nói, nghĩa trang nhân dân ở một số xã tuy được quy hoạch nhưng việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành còn hạn chế. Còn xảy ra hiện tượng tùy tiện đưa thi hài, hài cốt vào ruộng canh tác của gia đình không trong quy hoạch gây ảnh hưởng mỹ quan, vệ sinh môi trường; xây mộ không đúng kích thước, gây lãng phí trong việc sử dụng đất, bất bình trong dư luận xã hội. Ngoài ra, hình thức thăm viếng bằng vòng hoa tuy có giảm song ở một số nơi còn lãng phí chưa theo quy định gây ảnh hưởng môi trường.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện hiệu quả việc tang văn minh, tiến bộ, ông Nguyễn Khánh Bình đề nghị: các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể Nhân dân tiếp tục vào cuộc đẩy mạnh thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ trên địa bàn huyện. Gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi đôi với việc đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống văn hóa mới ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng thôn, từng hộ gia đình bằng nhiều hình thức về các nội dung như: Không để thi hài quá 36 giờ, không bật nhạc quá khuya, không sử dụng vòng hoa phúng viếng…
“Chính quyền địa phương cần chú trọng quản lý tốt việc quy hoạch, sử dụng nghĩa trang theo đúng quy định. Để làm được việc này rất cần sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, sự phối hợp và ý thức chấp hành nghiêm túc của người dân” – ông Nguyễn Khánh Bình nhấn mạnh.
Một số mục tiêu huyện Thanh Oai phấn đấu đạt được trong thời gian tới:
100% gia đình có người chết thực hiện tốt các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.
Phấn đấu đến năm 2025, 70% trở lên số người khi qua đời được thực hiện hỏa táng
100% các thôn đều có nghĩa trang nhân dân; phấn đấu 20% trở lên số nghĩa trang trong toàn huyện trở thành công viên nghĩa trang.
Phấn đấu xây dựng đến năm 2025, trên địa bàn huyện có 3-5 mô hình thôn thực hiện tang văn minh tiến bộ; 2-4 mô hình thôn xây dựng công viên nghĩa trang.
Vận động các hộ gia đình di chuyển vào nghĩa trang các ngôi mộ đang ở ngoài khu vực nghĩa trang.
Mỗi đám tang sử dụng 5-7 vòng hoa luân chuyển, các cá nhân, tổ chức đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân kính viếng.
Từng bước tiến tới xây dựng nhà lưu giữ tro cốt sau hỏa táng ở những nơi có điều kiện.