Huyện Thanh Oai: Khơi thông điểm nghẽn về quản lý quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 nhóm vấn đề liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, quy hoạch và quản lý đất đai đã được giải đáp tại Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn huyện Thanh Oai.

Chiều 8/11, Huyện ủy – HĐND – UBND huyện Thanh Oai tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch HĐND – Chủ tịch UBND với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân với chuyên đề “Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện”.

 Quang cảnh hội nghị đối thoại. Ảnh: Bình Minh

Chuyển đổi hơn 1.300ha, giá trị thu nhập gấp 3 – 4 lần cấy lúa

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan khẳng định, hội nghị là cơ hội để lãnh đao huyện lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các xã, thị trấn và Nhân dân trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, lãnh đạo huyện tiếp thu những sáng kiến, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

 Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan phát biểu tại hội nghị đối thoại. Ảnh: Bình Minh

Đánh giá về kết quả thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho biết, từ năm 2003 đến nay, huyện đã phê duyệt Đề án chuyển đổi cho 20 xã, thị trấn với diện tích hơn 1.000ha. Tính đến tháng 8/2021, các xã, thị trấn đã chuyển đổi với tổng diện tích hơn 1.300ha với tổng số 6.041 hộ.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giải quyết đã tạo việc làm cho một bộ phận lao động ở nông thôn. Cùng với đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi tạo điều kiện hỗ trợ cải tạo giao thông, thủy lợi nội đồng, giúp người dân thuận lợi trong việc sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác vùng chuyển đổi đã được nâng lên gấp 3 – 4 lần, có mô hình cao gấp 5 lần so với cây lúa truyền thống. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác chuyển đổi vẫn còn những tồn tại, khó khăn, hạn chế. Cụ thể: Việc xây dựng quy hoạch và triển khai quy hoạch tại một số xã thiếu đồng bộ, một số diện tích chuyển đổi không nằm trong vùng quy hoạch, chưa được phê duyệt hoặc thực hiện không đúng nội dung đề án được phê duyệt.

Việc chỉ đạo của một số xã trong việc lập hồ sơ chuyển đổi triển khai thực hiện còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát còn chưa kịp thời; việc xử lý vi phạm còn chưa quyết liệt.

Đáng nói, việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng chuyển đổi còn chưa đồng bộ, giao thông nội đồng chưa được cải tạo hợp lý, hệ thống xử lý môi trường chưa được đảm bảo. Cùng với đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất còn chậm. Sản xuất liên kết theo chuỗi gắn với chế biến còn hạn chế nên giá trị sản phẩm chưa cao…

Theo ông Bùi Hoàng Phan, nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại nêu trên là nằm ở công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số xã còn hạn chế, đó là chậm trễ trong việc lập hồ sơ chuyển đổi; công tác truyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân về chuyển đổi chưa được chú trọng. Ngoài ra, việc đầu tư cho các mô hình chuyển đổi cũng chưa bài bản, khoa học do đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn trong khi sản xuất nông nghiệp dễ gặp rủi ro nên các hộ chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất…

 Đại biểu MTTQ xã Đỗ Động phản ánh, đề xuất tại hội nghị. Ảnh: Bình Minh

Nắm bắt vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn

Với không khí cởi mở, khách quan, tại buổi đối thoại, đã có 6 ý kiến thuộc thuộc 3 nhóm vấn đề: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy hoạch và quản lý đất đai của các đại biểu phản ánh tới lãnh đạo huyện.

Các đại biểu cũng được nghe thủ trưởng các phòng, ban liên quan (phòng Kinh tế, Tài nguyên môi trường, Quản lý đô thị) giải đáp các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật.

Đại diện phòng Kinh tế huyện Thanh Oai giải đáp kiến nghị của đại biểu. Ảnh: Bình Minh

Tiếp thu và trả lời những ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng khẳng định: “Những ý kiến xác đáng, trách nhiệm, đúng trọng tâm và có tính xây dựng cao. Đặc biệt đã nêu bật được những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, để trên cơ sở đó, huyện báo cáo với các cấp có thẩm quyền giải quyết, khơi thông điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Cùng với đó, triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, tăng tính minh bạch trong quản lý công…”

 Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai trả lời, giải đáp kiến nghị tại hội nghị đối thoại. Ảnh: Bình Minh

Đối với nhóm vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, theo ông Bùi Văn Sáng, về nguyên tắc chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, phải lập quy hoạch chi tiết, bài bản từ hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước thải, giống cây con… Nếu ko quy hoạch và quản lý quy hoạch tốt thì rất dễ xảy ra vi phạm lấn chiếm hay ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các hộ trong khu chuyển đổi. Như vậy, giải pháp căn cơ là quy hoạch và làm tốt quy hoạch.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần được quản lý quy hoạch và thực hiện hết sức thận trọng và chặt chẽ bởi thực tế hiện nay vẫn chưa có hành lang pháp lý. Do đó, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết.

“Vừa rồi, UBND huyện giao cho phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với các ngành trên cơ sở rà soát quy định, tạm thời có hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các xã thực hiện. Về phía TP cũng đã giao cho các sở, ngành chỉ đạo, triển khai rà soát thực hiện, sẽ sớm có văn bản hướng dẫn” – ông Bùi Văn Sáng nhấn mạnh.

Đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện tiếp tục dành nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển các mô hình theo hướng bền vững, trong đó tập trung vào các mô hình cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện. Tăng cường tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân để nâng cao trình độ sản xuất cũng như thay đổi tập quán sản xuất.

Cùng với đó, tích cực đưa các giống lúa mới, chất lượng cao vào thay thế giống lúa cũ phục vụ xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đối với các khu vực đã chuyển đổi, huyện giao cho các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ các xã hướng dẫn thủ tục công nhận vùng, khu chuyển đổi và bổ sung vào quy hoạch.

Ngoài ra, huyện cũng kiến nghị với Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính hỗ trợ kinh phí để nạo vét kênh mương, thủy lợi nội đồng cho các vừng chuyển đổi trên địa bàn huyện.

Đối với nhóm vấn đề quy hoạch, theo định hướng phát triển chung của Thủ đô, đến năm 2030, Thanh Oai sẽ tiệm cận các tiêu chí lên quận; đặc biệt là có Vành đai 4 đi qua địa bàn, sẽ mở ra cơ hội lớn cho huyện phát triển.

Về quy hoạch phân vùng, dựa trên trục QL21B và trục phát triển kinh tế của huyện (trục ngang), quy hoạch sẽ chia huyên làm 4 vùng. Cụ thể, vùng 1 (gồm các xã phía Bắc và thị trấn Kim Bài) trọng tâm là phát triển đô thị và thương mại – dịch vụ; vùng 2 (các xã Kim Thư, Đỗ Động, Thanh Văn) trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, là vùng đệm xanh vùng 1; vùng 3 (Cao Dương, Dân Hoà, Phương Trung, Tân Ước, Liên Châu) trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ); vùng 4 (các xã còn lại) trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.