Chiều 5/12, UBND huyện Thanh Oai tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nâng cao chất lương, hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn huyện năm 2024 và những năm tiếp theo”
Thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp
Thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC và CĐS, huyện Thanh Oai đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đáng ghi nhận. Đến nay, 100% bộ phận 1 cửa huyện, 1 cửa UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC để tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính. Từ đó giảm thời gian xử lý TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trả đúng hẹn, trước hẹn và giảm tỷ lệ hồ sơ bị chậm, muộn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Xác định ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC, UBND huyện Thanh Oai đã quyết liệt chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Theo đó, 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định và tiến trình của UBND TP. Mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp tăng, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3 được cải thiện.
Triển khai Đề án 06, đến nay huyện Thanh Oai đã thực hiện định danh điện tử đối với 161.929/165.590 người dân, đạt tỉ lệ 97,7%; thực hiện chi trả an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng bằng hình thức không dùng tiền mặt đối với 5.887 người, chiếm 99,6%. Bên cạnh đó, toàn huyện đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán hoá đơn, viện phí, học phí... không dùng tiền mặt thông qua các app ngân hàng số; sử dụng ứng dụng Etaxmobile đối với người nộp thuế.
Năm 2024, UBND huyện Thanh Oai đã đầu tư và đưa vào sử dụng các trang thiết bị thực hiện mô hình "Bộ phận 1 cửa hiện đại" đối với Bộ phận 1 cửa xã Bích Hòa, Bộ phận 1 cửa huyện Thanh Oai.
Huyện đã triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho công dân trên địa bàn phục vụ trên các nền tảng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) với 6.000 chữ ký số được cấp. Triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số iHanoi - kênh giao tiếp, kết nối giữa người dân và chính quyền. Tính đến thời điểm này, đã có 37.478 người có tài khoản iHanoi, đạt 32,7%.
Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội được triển khai, UBND huyện Thanh Oai đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 10/8/2022 về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng huyện Thanh Oai giai đoạn 2022 - 2025.
Trong khi đó, kênh Zalo OA thông tin cơ sở của chính quyền huyện, các xã, thị trấn cũng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực khi trở thành kênh giao tiếp số kết nối giữa chính quyền với người dân thuận tiện, nhất quán và xuyên suốt. Ngoài ra, huyện tiếp tục triển khai phổ cập cho người dân sử dụng ứng dụng VNeID là danh tính số, có giá trị tương đương thẻ Căn cước công dân.
Đáng chú ý, để đạt tiến độ, yêu cầu theo tinh thần chỉ đạo của TP, các tổ chức chính trị, đoàn thể từ huyện đến xã đã tích cực vào cuộc đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn từng người cài đặt ứng dụng iHanoi, các app thanh toán số không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, huyện cũng quan tâm duy trì mô hình chợ thông minh, không dùng tiền mặt tại một số chợ trên địa bàn như: Chợ đầu mối phía Nam Hà Nội, chợ Chuông (xã Phương Trung), chợ Kim Bài (thị trấn Kim Bài). Hỗ trợ người dân, cơ sở kinh doanh đưa các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương quảng bá, giới thiệu, thương mại trên các kênh, sàn thương mại điện tử. Duy trì hiệu quả mô hình “Thôn thông minh” tại các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như Hồng Dương, Cao Dương, Liên Châu.
Cần những giải pháp thiết thực, khả thi
Tại tọa đàm, lãnh đạo huyện Thanh Oai và các đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ công chức cũng chỉ ra những hạn chế của công tác CCHC và CĐS. Đó là cán bộ, công chức phải sử dụng nhiều ứng dụng, phần mềm để xử lý nhiệm vụ; không ít cán bộ, công chức gặp khó khăn trong vận hành, sử dụng phần mềm và đồng bộ, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu. Không ít cán bộ công chức đang kiêm nhiệm nhiều công việc nhưng vẫn phải hỗ trợ tối đa công dân thực hiện các TTHC.
Các đại biểu tham luận ý kiến tại tọa đàm
Nguồn nhân lực từ cấp huyện đến cấp xã nhằm bảo đảm cho việc phối hợp triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC, chuyển đổi số, giải quyết TTHC, xây dựng nền hành chính điện tử chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong khi đó, hạ tầng công nghệ số còn thiếu, chưa đồng bộ. Nguồn vốn đầu tư công tác phục vụ chuyển đổi số chủ yếu là nguồn ngân sách địa phương, chưa có cơ chế hợp lý để tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn xã hội khác.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Vũ Quỳnh, để công tác CCHC gắn với CĐS đạt hiệu quả, huyện Thanh Oai đề nghị TP sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách chung phục vụ công tác CCHC, CĐS trên địa bàn như: cải cách, giảm thiểu quy trình giải quyết, tiếp nhận TTHC; công tác CCHC phải gắn thực tiễn và được thực hiện đồng bộ song song với CĐS, tránh gây phiền hà cho người dân và cán bộ thực hiện.
Cùng với đó, TP đảm bảo biên chế nguồn nhân lực có trình độ phù hợp triển khai các nhiệm vụ ngày càng lớn và phức tạp tại cơ quan nhà nước. TP cần nghiên cứu thiết lập, triển khai các ứng dụng, phần mềm, dịch vụ có tính sử dụng chung của các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn toàn TP, liên kết với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Chính phủ, hướng tới việc chỉ duy nhất một phần mềm, ứng dụng có thể xử lý các công việc, nhiệm vụ hành chính.
Đặc biệt, TP cần thiết lập hệ thống quản lý, theo dõi báo cáo các nhiệm vụ, công việc được giao có tính trực quan, tính liên kết sử dụng chung giữa các sở, ngành, quận, huyện, thể hiện rõ mức độ hoàn thành công việc. Ngoài ra, TP hỗ trợ nguồn kinh phí nâng cấp, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật CNTT của huyện, xã (mạng LAN, WLAN) và sớm có cơ chế hỗ trợ cho lực lượng Tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu “Xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới".
Trong bất kỳ thời gian nào, hoàn cảnh nào người dân cũng có thể gửi ý kiến, câu hỏi đến các cấp quản lý. Các lãnh đạo, quản lý căn cứ trên thông tin do Trợ lý ảo cung cấp có thể sẵn sàng trả lời ngay thắc mắc, phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Nếu giải pháp này được áp dụng vào thực tế, triển khai hiệu quả thì có thể ở cấp cơ sở các cuộc tiếp xúc cử tri không cần tổ chức, từ đó giảm tải rất nhiều cho lãnh đạo cấp huyện, xã.
TS Lại Đức Vượng - Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia
Đề cập về các giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu trên, TS Lại Đức Vượng - Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia khuyến nghị, TP cần sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; phát triển hạ tầng công nghệ số với công nghệ tiên tiến, hiện đại; hoàn thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, TP nên triển khai thử nghiệm các dịch vụ đô thị thông minh tại một số quận, huyện, sở ngành gắn liền với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
TS Lại Đức Vượng cũng kỳ vọng TP Hà Nội sớm xây dựng triển khai giải pháp Trợ lý ảo (AI). Cụ thể, Trợ lý ảo được thiết lập hàng ngàn câu hỏi, cũng như các thông tin phản hồi cơ bản về mọi lĩnh vực: kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, hành chính công... ). Trợ lý ảo sẽ hỗ trợ đắc lực cho lãnh đạo, người quản lý, cán bộ công chức làm việc hiệu quả hơn, phục vụ người dân tốt hơn, đỡ vất vả hơn.