Huyện Thanh Oai: Tất bật ở những "vùng xanh"

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những này này, tại “vùng xanh” huyện Thanh Oai đang ngập tràn khí thế sản xuất, kinh doanh khi niềm mong mỏi về cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” đang dần hiện hữu với người dân nơi đây.

Không khí tất bật trên những làng quê

Trên những ruộng rau, vườn cây ăn quả xanh mướt, trải dài tít tắp của xã Kim An (huyện Thanh Oai), bà con vẫn cần mẫn canh tác với mong muốn có vụ mùa bội thu.

Nhanh tay cắt bỏ những tàu lá khô úa cho vườn chuối hơn 2 sào của gia đình, ông Lê Xuân Long, ở thôn Tràng Cát chia sẻ: “Là xã “vùng xanh” nên từ hơn chục ngày nay, chúng tôi đã tất bật ra đồng rồi. Hiện, gia đình tôi đang chăm sóc cho vườn chuối hơn 200 gốc với một nửa sẽ thu hoach vào đầu tháng 10 âm lịch và một nửa vào vụ Tết. Mong sao dịch bệnh sớm qua đi để việc tiêu thụ chuối trong thời gian tới cũng dễ dàng hơn, nông dân thực sự được hưởng thành quả xứng đáng sau cả năm vất vả sớm nắng chiều mưa”.

 Anh Nguyễn Văn Mùa, ở thôn Tràng Cát, xã Kim An tỉ mỉ chăm chút cho chậu bưởi cảnh sẽ xuất bán vào dịp Tết. Ảnh: Ngọc Ánh

Tỉ mỉ chăm chút cho vườn bưởi trước nhà, anh Nguyễn Văn Mùa, ở thôn Tràng Cát cho hay, việc TP nới lỏng giãn cách như cơn mưa rào gieo xuống vùng đất đang khô nứt nẻ vì nắng hạn lâu ngày. Thời điểm này, hơn 100 gốc bưởi cảnh của gia đình đều đã hoàn thành việc cắt tỉa, tạo dáng và bao bọc quả. Niềm vui hiện lên cả trong ánh mắt của đôi vợ chồng chất phác khi anh Mùa cho hay, dịch bệnh sớm được kiểm soát là sang tháng 9 âm lịch, vườn bưởi cảnh của gia đình lại tấp nập khách ra vào tham quan, chọn đặt mua cây. Càng phấn khởi hơn khi những khách hàng đặt mua cây công trình, bóng mát của gia đình cũng đã liên lạc lại hẹn ngày cho xe về nhận cây, hoàn thiện hợp đồng.

Theo Chủ tịch UBND xã Kim An Nguyễn Văn Hải, với tinh thần sẵn sàng cung ứng lương thực, thực phẩm cho khu vực nội thành, những ngày qua, bà con nông dân xã Kim An vẫn duy trì sản xuất, bảo đảm mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn rau xanh và 5 tấn trái cây các loại. Hiện, toàn xã có hơn 190ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gồm 130ha cây ăn quả và hơn 60ha canh tác rau màu.

 Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa chế tác lồng chim để kịp trả đơn đặt hàng cho khách. Ảnh: Ngọc Ánh

Tại xã Dân Hòa, không khí của các làng nghề truyền thống những ngày này trở nên rộn ràng hơn. Mặc dù đã xế chiều nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn, ở thôn Canh Hoạch vẫn miệt mài làm việc. Trong căn phòng khách của gia đình bày la liệt những chiếc lồng chim đã hoàn thành, được đóng gói kỹ càng chờ giao cho khách. Tay thoăn thoắt vót nan, anh Tuấn phấn khởi nói: “Gần 2 tháng nay thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động buôn bán của gia đình bị gián đoạn. Rất vui khi huyện nhà là “vùng xanh” nên hoạt động giao thương buôn bán đã thuận lợi hơn, gia đình tôi cũng đẩy nhanh công suất làm việc để kịp đơn hàng giao cho khách từ trước đó”.

Theo anh Tuấn, gắn bó với nghề làm lồng chim gần 40 năm, chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của làng nghề nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 là nặng nề nhất. Để đẩy mạnh bán hàng trong mùa dịch, anh tập trung giới thiệu hàng qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… Nhờ vậy, những chiếc lồng chim do anh chế tác không chỉ có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong nước, mà còn có không khách nước ngoài đặt mua.

Bí thư Đảng ủy xã Dân Hòa Nguyễn Huy Sỹ cho hay, toàn xã có hơn 3.000 hộ thì có tới hơn 2.000 hộ làm nghề truyền thống như: tạc tượng, đồ thờ, làm lồng chim, làm quạt… Nhờ làm nghề mà đời sống của người dân địa phương ngày càng được nâng cao, nhiều hộ còn vươn lên làm giàu. Thực hiện Chỉ thị 20/CT – UBND TP và văn bản chỉ đạo của UBND huyện về triển khai phương án sản xuất tại “vùng xanh”, bà con Nhân dân rất phấn khởi vì hoạt động sản xuất đã dần trở về quỹ đạo bình thường. Mừng nhất là hoạt động đi lại, lưu thông hàng hóa đã được khơi thông, tạo sự kích cầu sản xuất, kinh doanh của các làng nghề, nhịp sống sinh hoạt bình thường mới cũng đã dần trở lại.

Nhà máy, xí nghiệp nỗ lực sản xuất, phòng chống dịch

Linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, nhiều DN trên địa bàn huyện Thanh Oai vẫn bảo đảm sản xuất, kinh doanh trên cơ sở duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ an toàn Covid-19 và quyết liệt thực hiện các biện pháp giữ vững “Vùng xanh doanh nghiệp”.

 Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH May xuất khẩu DHA (Cụm công nghiệp Thanh Oai). Ảnh: Ngọc Ánh

Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH May xuất khẩu DHA Nguyễn Văn Đô cho biết, từ khi TP thực hiện giãn cách xã hội đến nay, công ty vẫn bảo đảm hoạt động theo nguyên tắc 5K, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Mặc dù 100% lao động (300 công nhân) là người địa phương những không vì thế mà công ty chủ quan trong phòng, chống dịch. Đến nay, hầu hết người lao động được tiêm vaccine phòng Covid-19, được xét nghiệm nhanh Covid-19 1 lần/tuần. Cùng với đó, công ty thực hiện nghiêm đảm bảo giãn cách tại các vị trí sản xuất; tại khu vực ăn trưa dựng vách ngăn cứng 4 khoang/bàn, đặc biệt cấm tụ tập trong giờ giải lao. “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến doanh thu của công ty giảm sút khoảng 30%. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát, công ty cũng đẩy mạnh sản xuất để kịp trả đơn hàng vào Quý IV cho khách hàng” – ông Nguyễn Văn Đô chia sẻ.

Gần 1 tuần nay, Dự án nâng cấp, mở rộng QL21B giai đoạn 2 đang được thi công khẩn trương hơn khi những chiếc xe lu, máy ủi, xe ô tô tải… trên công trường tái hoat động trở lại. Ghi nhận của phóng viên trong ngày 18/9, đoạn đường từ thị trấn Kim Bài đến ngã tư Vác, từng tốp thợ đang xây kè kết bờ mương hoàn trả bảo đảm hệ thống tưới tiêu cũ của người dân. Đơn vị thi công đã tăng cường bố trí nhân lực, vật tư máy móc bảo đảm thi công theo phương án được duyệt và thời gian cấp phép.

 Dự án nâng cấp, mở rộng QL21B giai đoạn 2 đang được thi công khẩn trương. Ảnh: Ngọc Ánh

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, đối với các công trình được phép thi công, huyện yêu cầu tổ chức thi công xây dựng phải đảm bảo đúng nội dung Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND TP và Kế hoạch số 432/KH-UBND của UBND. Theo đó, để đảm bảo cao nhất yêu cầu phòng chống dịch, chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, nhà thầu phải có phương án, kịch bản duy trì thi công đảm bảo phòng, chống dịch gửi UBND huyện chấp thuận và giám sát thực hiện.

Cụ thể, chủ đầu tư, nhà thầu phải đăng ký hoạt động sản xuất với UBND xã, thị trấn (số lượng, danh sách lao động, phương án đảm bảo sản xuất an toàn phòng chống dịch, thời gian hoạt động sản xuất. Đồng thời, xây dựng kịch bản ứng phó khi có ca mắc/nghi nghiễm Covid-19; cam kết thực hiện nghiêm 5K và tổ chức thi công thực hiện đúng theo cam kết. Cùng với đó, tổ chức cho cán bộ, công nhân, người lao động ăn ở tại công trường; trường hợp tổ chức ăn ở bên ngoài công trường thì thực hiện nguyên tắc “1 cung đường, 2 điểm đến” theo hình thức ăn ở tập trung. Đặc biệt là thực hiện kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ra vào công trường hàng ngày (khai báo y tế theo mã QR Code, đo thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vào sổ theo dõi; phun khử khuẩn định kỳ nơi ăn ở, văn phòng và công trường thi công theo đúng quy định phòng, chống dịch bệnh.

Dù đã nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ trên tinh thần Chỉ thị 15 của Chính phủ và Chỉ thị 20 của UBND TP trong tình hình mới, song UBND huyện vẫn yêu cầu UBND các xã, thị trấn trên địa bàn chủ động, sát sao trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời yêu cầu UBND các xã, thị trấn linh hoạt xây dựng, triển khai ngay phương án sản xuất của địa phương (đã được UBND huyện phê duyệt). Ngay từ bây giờ, Thanh Oai đã bắt tay vào khẩn trương ổn định, trở lại trạng thái “bình thường mới” để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế. Trong đó, trọng tâm là tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ và giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng