Huyện Thanh Oai: Xử lý dứt điểm công trình vi phạm phòng cháy, chữa cháy

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Thanh Oai đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động trên địa bàn huyện.

Chiều 14/4, UBND huyện Thanh Oai tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 8/4/2022 của UBND huyện Thanh Oai về việc khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND và các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn huyện (Kế hoạch 123).

Hội nghị có sự tham gia của các đại diện phòng, ban ngành của huyện Thanh Oai và chủ đầu tư công trình  vi phạm về PCCC. Ảnh: Ngọc Ánh
Hội nghị có sự tham gia của các đại diện phòng, ban ngành của huyện Thanh Oai và chủ đầu tư công trình  vi phạm về PCCC. Ảnh: Ngọc Ánh

Nâng cao trách nhiệm

Kế hoạch 123 của UBND huyện Thanh Oai đã nêu rõ 7 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC. Trong đó chú trọng tuyên truyền việc thực hiện trách nhiệm, chấp hành quy định pháp luật về PCCC trong đầu tư, xây dựng công trình, các nguy cơ, nguyên nhân tiềm ẩn gây cháy, nổ dẫn đến hậu quả nghiệm trọng xuất phát từ việc đưa công trình không đảm bảo yêu cầu về PCCC.

Tổng kiểm tra, rà soát, thống kê, lập danh sách các cơ sở, công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Từ đó đánh giá các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC; xem xét, đề xuất thực hiện các giải pháp khắc phục theo quy định. Yêu cầu chủ đầu tư cam kết lộ trình, thời gian thực hiện. Khảo sát, lập dự toán kinh phí thực hiện các nội dung khắc phục yêu cầu không đảm bảo về PCCC. Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, phê duyệt kinh phí thực hiện đối với các dự án đầu tư xây dựng công, phê duyệt chính sách hỗ trợ, đền bù, bố trí quỹ đất đối với cơ sở thuộc diện di dời.

Tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp quy định việc xử lý đối với các công trình không đảm bảo yêu cầu về PCCC đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực, công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động.

Đối với các cơ sở không thực hiện theo kế hoạch, các cơ quan chức năng căn cứ quy định của pháp luật thực hiện đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… và áp dụng các biện pháp xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Ánh
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Ánh

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển khẳng định: “Hội nghị được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở về việc chấp hành nghiêm quy định pháp luật về PCCC trong đầu tư xây dựng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC trên địa bàn huyện”.

Ông Nguyễn Trọng Khiển yêu cầu các phòng, ban ngành và Công an huyện nghiêm túc thực hiện Kế hoạch 123. Trong đó trọng tâm là tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC của các cấp chính quyền trên địa bàn. Khắc phục tình trạng công trình không đảm bảo yêu cầu về PCCC theo quy định được đưa vào hoạt động. Kiên quyết không để phát sinh mới các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, tiếp tục đưa ra lộ trình khắc phục cụ thể đối với mỗi công trình vi phạm, từng bước làm giảm số công trình tồn tại vi phạm, không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC; tiến tới việc không còn các vi phạm pháp luật về PCCC&CNCH trên địa bàn huyện.

Đặc biệt là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở về việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư xây dựng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC trên địa bàn huyện.

Chú trọng công tác thẩm duyệt, nghiệm thu

Theo số liệu rà soát của Công an huyện Thanh Oai (tại thời điểm ngày 30/8/2021), trên địa bàn có tổng số 42 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động với tổng số 127 lỗi tồn tại, vi phạm. Sau 7 tháng nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp, đã có 4 công trình vi phạm được nghiệm thu về PCCC, đã khắc phục được 17 lỗi tồn tại, vi phạm về PCCC. Đến nay, trên địa bàn huyện còn 38 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động với 110 lỗi tồn tại, vi phạm về PCCC.

Cảnh sát PCCC&CNCH  Công an TP  Hà Nội kiểm tra an toàn PCCC tại Cụm Công nghiệp Thanh Oai. Ảnh: Ngọc Ánh
Cảnh sát PCCC&CNCH  Công an TP  Hà Nội kiểm tra an toàn PCCC tại Cụm Công nghiệp Thanh Oai. Ảnh: Ngọc Ánh

Công an huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra về PCCC&CNCH 104 lượt cơ sở, xử phạt hành chính 9 trường hợp với tổng số tiền phạt 720 triệu đồng, đề xuất đình chỉ hoạt động 2 trường hợp.

Ngoài ra, Công an huyện còn tham mưu cho UBND huyện đăng tải công khai tên, địa chỉ, chủ đầu tư công trình vi phạm về PCCC trên Cổng thông tin điện tử UBND huyện.

Đề cập về một số tồn tại, hạn chế, thượng tá Lê Văn Hơn - Phó Trưởng Công an huyện Thanh Oai cho biết, hiện trên địa bàn vẫn còn một số công trình là kho, xưởng sản xuất xây dựng không phép, trái phép trên đất không hợp pháp chưa được xử lý dứt điểm, tiềm ẩm nguy cơ cháy nổ cao.

Đáng nói, một số loại công trình đặc thù như trường học nằm xen kẹt trong khu dân cư không có khả năng đáp ứng về yêu cầu giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách PCCC, lối ra thoát nạn.

Một số chủ đầu tư, chủ cơ sở chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm, quy định pháp luật về PCCC như: Không thực hiện phê duyệt thiết kế về PCCC trước khi xây dựng công trình; tự ý đưa công trình vào hoạt động khi chưa nghiệm thu về PCCC.

Vì vậy, Công an huyện đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành phối hợp với Công an huyện tổ chức thẩm duyệt thiết kế về PCCC xong trước ngày 30/6/2022; tổ chức nghiệm thu PCCC đối với các công trình xong trước ngày 30/6/2023.

Song song với đó, thảo luận, thống nhất đề ra các biện pháp, xem xét trách nhiệm đối với chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở không thực hiện khắc phục các tồn tại về PCCC; xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị không thực hiện.

Thượng tá Lê Văn Hơn cũng đề nghị Công an TP tăng cường công tác phê duyệt, thẩm định, cấp phép đối với các dự án công trình xây dựng mới; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn ngay từ đầu nhằm kịp thời phát hiện và áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm về PCCC; kiêm quyết xử lý dứt điểm, không để phát sinh mới các công trình vi phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần