Chiến thắng của đạo lý
Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết: Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lập nên một kỳ tích vẻ vang, phá tan tuyến phòng thủ của quân Thanh và cánh quân phía Tây Nam, mở toang cửa tiến vào kinh thành Thăng Long xoá bỏ ách đô hộ của quân xâm lược nhà Thanh và chế độ phong kiến cuối thế kỷ 18, thống nhất giang sơn, giành nền độc lập, đem lại cuộc sống yên bình cho dân tộc.
Nổi bật trong chiến công chung đó là trận hành quân thần tốc đại phá đồn Ngọc Hồi - cứ điểm phòng ngự quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ của Tôn Sĩ Nghị và quân Thanh. Theo sử sách, cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Ngọc Hồi thuộc xã Vĩnh Trung, tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín. Ngày nay, Ngọc Hồi thuộc xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
Chiến thắng Ngọc Hồi đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng của quân Thanh, khiến Tôn Sĩ Nghị phải chui vào ống đồng tháo chạy về nước, tướng Sầm Nghi Đống phải tự tử. Quang Trung dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào Thăng Long trong niềm hân hoan vui sướng của toàn thể Nhân dân…
Trong 235 năm qua, chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa mùa Xuân năm Kỷ Dậu mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt và người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến. Bởi đó là sự kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng của đạo lý chính nghĩa thắng phi nghĩa, là chiến thắng trí tuệ của dân tộc, của nghĩa quân Tây Sơn đứng đầu là anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Phát huy sức mạnh đoàn kết
Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần đồng hành, quyết tâm chính trị cao và sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Trì đã tập trung chủ động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Trì lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội gắn với 06 Chương trình công tác của Huyện ủy, đạt được những kết quả nổi bật.
Huyện đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra: 18/18 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch, trong đó có 9/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đồng thời, hoàn thành đạt và vượt mức 20/20 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2023 được TP và HĐND huyện giao; hoàn thành đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị năm 2023 của Đảng bộ huyện, tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực.
Hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao 15/15 xã, về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, đến nay có 15/15 xã đã được Đoàn kiểm tra thẩm định đủ điều kiện báo cáo TP công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023; là huyện đầu tiên có 2 xã Yên Mỹ và Đại Áng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu toàn diện, vượt chỉ tiêu kế hoạch TP giao giai đoạn 2021 – 2025, được TP ghi nhận và đánh giá cao.
Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và phát triển đô thị, giải ngân vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm được triển khai đồng bộ. Đến nay, huyện đã đạt 30/34 tiêu chuẩn thành lập quận. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế môi trường, an sinh xã hội được bảo đảm. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ, đạt kết quả toàn diện. Những kết quả công tác của huyện đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của Thủ đô và đất nước.
Trên 48 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích
Di tích địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì được xây dựng năm 1989, vinh dự được xếp hạng di tích lịch sử cấp TP năm 2019. Đây là công trình không chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ đi trước; là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, giới thiệu với du khách thập phương về một địa điểm cách mạng.
Qua khảo sát, hiện nay một số hạng mục của di tích đang xuống cấp. Nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, huyện Thanh Trì đã ban hành quyết định số 278/QĐ-UBND ngày 24/01/2024 về việc tu bổ tôn tạo và sửa chữa kịp thời các hạng mục đang xuống cấp trong di tích nhằm hoàn thiện tổng thể cảnh quan và hạ tầng cho khu di tích, đáp ứng nhu cầu sử dụng, phát huy hết giá trị của di tích.
Với tổng mức đầu tư 48,436 tỷ đồng, quy mô đầu tư xây dựng đồng bộ tổng thể di tích, bao gồm: Tu bổ, tôn tạo cổng phụ, đài tưởng niệm, nhà lục giác, nhà khách; cải tạo sửa chữa, nâng cấp khu vực khán đài, nhà vệ sinh khu vực khán đài, nhà vệ sinh bên kia sông; xây mới nhà trưng bày, đài tưởng niệm bằng đá, cổng chính, nhà bảo vệ; tôn tạo, nâng cấp sân vườn tổng thể, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khớp nối công trình cũ và mới đồng bộ theo tiêu chuẩn và một số hạng mục khác... với tổng diện tích đất khoảng 6959,2m2. Thời gian dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2025.