Ngày 11/1/2025, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, UBND huyện Thanh Trì tổ chức hội nghị tập huấn về chuyển đổi số, ứng dụng AI trong quản lý hành chính trên địa bàn huyện. Tham dự hội nghị có lãnh đạo HĐND, UBND huyện Thanh Trì, các phòng ban chuyên môn của huyện; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND – UBND, công chức Văn phòng Thống kê, Tư pháp, Văn hóa, Địa chính – Xây dựng các xã, thị trấn và Hiệu trưởng các trường học thuộc huyện.
Chuyển đổi số cấp huyện đạt kết quả tích cực
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết: Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Huyện ủy Thanh Trì đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/HU ngày 28/6/2024, đồng thời UBND huyện ban hành 03 Kế hoạch triển khai thực hiện và nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể, trong đó tập trung triển khai tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân, doanh nghiệp và vai trò, vị trí của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Căn cứ vào các tiêu chí của Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp huyện do UBND TP ban hành, với 60 tiêu chí thuộc 9 nhóm chỉ số chính như: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và mức độ hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số hằng năm…, qua đánh giá năm 2024, việc triển khai chuyển đổi số của huyện Thanh Trì bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Cụ thể, nhận thức về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn được nâng lên, có chuyển biến tích cực về hành động. Việc xây dựng chính quyền điện tử được triển khai mạnh mẽ, cơ bản đạt đủ “4 không” là: họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy tờ, giải quyết TTHC không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số được tập trung triển khai quyết liệt trên toàn bộ các lĩnh vực như thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số và hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Hệ thống Một cửa của huyện được đầu tư đồng bộ, phục vụ người dân và doanh nghiệp; 100% thôn, làng, tổ dân phố có Tổ chuyên môn số cộng đồng hoạt động tích cực. Tỷ lệ người dân cài đặt Ihanoi đạt 100%; tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử đạt 90%. Ngành giáo dục và đào tạo huyện Thanh Trì là đơn vị đầu tiên của TP Hà Nội ứng dụng và vận hành Trung tâm điều hành thông minh. Chỉ số CCHC của huyện đứng thứ 5/30 quận, huyện của TP. 100% các phòng, ban đơn vị trực thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đều sử dụng chữ ký số.
Ngoài ra, hệ thống quản lý văn bản điện tử của huyện được triển khai, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Cổng thông tin điện tử huyện được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin và giải quyết TTHC…
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả ban đầu, quá trình triển khai chuyển đổi số của Thanh Trì còn một số hạn chế như: nhận thức chưa đầy đủ, chưa đồng đều, tư duy chậm thay đổi. Cơ sở hạ tầng CNTT còn hạn chế, nguồn nhân lực về chuyển đổi số của huyện và cơ sở còn thiếu, việc triển khai còn lúng túng, chưa xác định được nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung triển khai.
Xây dựng huyện Thanh Trì thành đô thị thông minh
Để đảm bảo mục tiêu trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Thanh Trì thực hiện chuyển đổi số nhằm phát triển huyện theo hướng thông minh, hiện đại, tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, sẵn sàng kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong TP, việc tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI là việc làm cần thiết.
Tại hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được chuyên gia công nghệ Nguyễn Thanh Khiết - chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong quản lý hành chính giới thiệu và hướng dẫn những phần mềm quản lý ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như: quản lý, hỗ trợ xử lý văn bản; quản lý, ứng dụng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, địa chính, xây dựng... Quá trình tập huấn, các đại biểu cũng đã tích cực trao đổi, thảo luận, tương tác đa chiều với báo cáo viên, nhằm hiểu rõ hơn các nội dung mới của công tác chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI.
Lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì tin tưởng rằng, thông qua lớp tập huấn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lãnh đạo các xã, thị trấn, các trường học thuộc huyện sẽ có sự thay đổi về tư duy nhận thức và chuyển biến về hành động trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ được giao, với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng huyện Thanh Trì trở thành quận đô thị thông minh với đầy đủ 3 trụ cột là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.