Huyện Thanh Trì: Sẵn sàng trở thành quận văn minh, hiện đại

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm này, huyện Thanh Trì đã đạt 30/34 tiêu chuẩn trở thành quận, các xã dự kiến trở thành phường cũng đã đạt từ 13/16 tiêu chuẩn. Việc xây dựng huyện thành quận, xã thành phường đã khiến Thanh Trì có bước phát triển

Quyết liệt trong công tác chỉ đạo

Thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì thành quận và các chỉ đạo của Ban chỉ đạo xây dựng phát triển 5 huyện thành quận của TP, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Trì khóa 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa nhiệm vụ đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì phát triển thành quận đến năm 2025 vào mục tiêu tổng quát và đề ra các chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo các Chi, Đảng bộ thực hiện nhiệm vụ.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường phát biểu tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường phát biểu tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Nhằm cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa 24, UBND huyện Thanh Trì đã giao các phòng, ban chuyên môn rà soát tổng thể các dự án theo quy hoạch để triển khai thực hiện nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của Đề án; chỉ đạo 16 xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tập trung, đồng bộ, bám sát sự chỉ đạo của Huyện ủy, bảo đảm hiệu quả và tiến độ thời gian đã đề ra. Đồng thời, UBND huyện đã phân công cụ thể các đồng chí lãnh đạo huyện trực tiếp phụ trách chỉ đạo thực hiện đối với các tiêu chuẩn chưa đạt theo Đề án; bố trí lịch làm việc trực tiếp với một số xã còn nhiều tiêu chuẩn chưa đạt để định hướng và tháo gỡ khó khăn cho các xã.

UBND huyện Thanh Trì cũng đã ban hành Kế hoạch 134/KH-UBND ngày 14/3/2023, triển khai các bước và tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật để lựa chọn nhà thầu đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn thực hiện nhiệm vụ tư vấn xây dựng Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của khu vực dự kiến thành lập phường, quận; xây dựng Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận của huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

Đồng thời, UBND huyện đã tổ chức họp với các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn để triển khai nhiệm vụ rà soát, cung cấp số liệu và báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện ủy về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Thanh Trì để thành lập quận và các phường thuộc quận của huyện Thanh Trì.

Những kết quả tích cực

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện, đến thời điểm này, công tác xây dựng huyện thành quận, xã thành phường của huyện Thanh Trì đã đạt những kết quả tích cực.

Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và sửa đổi tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15, sau khi rà soát, đến thời điểm hiện nay, huyện Thanh Trì đã đạt 30/34 tiêu chí thành lập quận, chỉ còn 4/34 tiêu chí chưa đạt là: cân đối thu chi ngân sách; trường THPT đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị và công trình xanh.

Đối với các khu vực dự kiến thành lập phường, 16/16 đơn vị xã, thị trấn đã đủ điều kiện đạt tối thiểu 10/13 tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Căn cứ về nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo quy định và hiện trạng về quy mô dân số, diện tích tự nhiên của các xã, thị trấn trên địa bàn, huyện Thanh Trì đã cân nhắc lựa chọn phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để thành lập quận và các phường thuộc quận của huyện Thanh Trì. Dự kiến, số đơn vị hành chính sau sắp xếp là 14 đơn vị.

Đặc biệt, cùng với việc thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì thành quận, huyện đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và cao hơn nữa trên địa bàn. Năm 2022, 15/15 xã trên địa bàn huyện đã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2023, qua đánh giá, thẩm định của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, huyện Thanh Trì đã đủ điều kiện đề nghị công nhận Huyện nông thôn mới nâng cao; 8 xã của huyện đủ điều kiện đề nghị công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngoài ra, UBND huyện cũng chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP); rà soát, lựa chọn sản phẩm chủ lực, thế mạnh và đặc sản của địa phương đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm. Đến nay, toàn huyện đã có trên 100 sản phẩm OCOP, trong đó trên 60% sản phẩm đạt 4 sao, số còn lại đạt 3 sao. Đồng thời, phối hợp thực hiện các biện pháp nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ yếu của địa phương.

Quyết tâm về đích đúng hẹn

Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì, trở thành quận là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương. Do vậy, đối với những tiêu chí chưa đạt, huyện Thanh Trì quyết tâm phấn đấu hoàn thành trong thời gian tới. Hiện tại, UBND huyện Thanh Trì đã đưa ra những giải pháp cụ thể để phấn đấu thực hiện đối với các tiêu chí chưa đạt.

Cụ thể, đối với tiêu chuẩn “Trường THPT đạt chuẩn quốc gia”, hiện trên địa bàn huyện có 4 trường THPT, trong đó trường THPT Ngọc Hồi đang được UBND TP đầu tư xây dựng với quy mô trường chuẩn quốc gia mức độ II, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Đối với 3 trường còn lại là THPT Đông Mỹ, THPT Nguyễn Quốc Trinh và THPT Ngô Thì Nhậm, UBND huyện Thanh Trì đã lập dự án cải tạo nâng cấp với quy mô đầu tư bảo đảm cơ sở vật chất theo chuẩn quốc gia mức độ II, dự kiến khởi công trong năm 2024.

Đối với tiêu chuẩn “Tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị”, qua rà soát, UBND huyện xác định trên địa bàn huyện có 6 tuyến đường đô thị. Để tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị đạt được tiêu chuẩn ≥60% như yêu cầu đề ra, UBND huyện đã phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban, đơn vị, UBND thị trấn Văn Điển có trách nhiệm rà soát, tổng hợp đánh giá các tiêu chí và đề xuất đầu tư để bảo đảm cả 6 tuyến đường đủ điều kiện làm hồ sơ đề nghị TP công nhận tuyến phố văn minh đô thị.

Đối với tiêu chuẩn “Công trình xanh”, theo yêu cầu phải có ít nhất 1 công trình được cấp giấy chứng nhận công trình xanh hoặc đang làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận công trình xanh. UBND huyện Thanh Trì đã lựa chọn công trình Trường học liên cấp quốc tế Dwight Hà Nội trong Khu đô thị The Manor Nguyễn Xiển để làm hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận công trình xanh. Hiện nay, Công ty CP Bitexco  đã có văn bản số 168/23/CV/IDD/BITEXCO.JSC cam kết về việc lập hồ sơ gửi đến cơ quan chức năng công nhận công trình xanh đối với công trình trên.

Đối với tiêu chuẩn “Cân đối thu, chi ngân sách”, đây là tiêu chí khó thực hiện, cần có thời gian và sự quan tâm hỗ trợ, định hướng của TP để huyện có nguồn tăng thu ngân sách và hoàn thành được tiêu chí. Trong thời gian tới huyện sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ các nguồn thu, mở rộng các cơ sở thu, khai thác tối đa các nguồn thu phát sinh trên địa bàn. Bên cạnh đó, thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, giảm dần các khoản chi cho hành chính, sự nghiệp công, mua sắm phương tiện, trang thiết bị chưa thực sự cần thiết. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng trên địa bàn huyện; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội để thu hút các nhà đầu tư về hoạt động kinh doanh trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách...

Với sự quyết tâm phấn đấu và những giải pháp rõ ràng, cụ thể, tin tưởng rằng, huyện Thanh Trì sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành quận văn minh, hiện đại của Thủ đô theo đúng kế hoạch đề ra.