Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyền thoại chuyện lì xì

Nhà văn Nguyễn Việt Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong câu chuyện dân gian ngàn xưa có truyền tụng một huyền hoại về việc, trong những ngày Tết âm lịch có một loài yêu quái rất thích chọc phá trẻ em.

Con yêu quái này thường lẻn vào nhà đêm giao thừa, đến bên giường xoa đầu trẻ con đang ngủ, khiến bọn trẻ giật mình, khóc thét đến mức hoảng loạn, rồi sinh bệnh sốt mê man, lảm nhảm.
Chuyện kể rằng, vào một đêm giao thừa, khi các vị tiên trên đường lên Thiên đình chầu Ngọc Hoàng, họ đang bay ngang qua vùng phố thị, chợt phát hiện thấy một con yêu quái rình mò trước một ngôi nhà, sắp quấy phá hài nhi đang ngon giấc. Các vị tiên này liền hạ mây đáp xuống, báo cho gia chủ hay rằng họ sẽ đuổi đuổi yêu quái giúp gia đình. Sau đó, các vị tiên hóa thành các đồng tiền, nằm quanh gối trấn giữ đầu cậu bé. Hào quang của các vị Tiên từ đồng tiền chiếu sáng khắp phòng, sợ con yêu quái trông thấy không dám vào, nên họ bảo người mẹ dùng giấy gói đỏ gói các đồng tiền lại, đoạn giấu dưới gối hài nhi. Lát sau, con yêu quái lẻn vào nhà, đến bên giường thò tay vào định xoa đầu đứa trẻ. Nhưng nó bỗng thấy từng chùm tia sáng vàng rực dưới gối bắn tùng khắp mình con yếu quái làm nó bốc cháy khiến con yêu quái hoảng hổn, bỏ chạy.
 Ảnh minh họa.
Đuổi yêu quái xong, các vị Tiên bay về trời. Cha mẹ cậu bé mừng lắm, hôm sau đem chuyện được Tiên giúp trừ yêu quái thuật lại cho khắp xóm trên, làng dưới hay biết, và bảo cách gói các đồng tiền vào giấy đỏ, đặt dưới gối ra sao để đuổi yêu quái. Mọi người, mọi nhà có trẻ nít đều làm theo. Từ đó việc này trở thành một tục lệ trong dân gian, cứ Tết đến người ta lại bỏ những đồng tiền vào phong bao đỏ cho trẻ con, cầu mong chúng luôn mạnh khỏe, chóng lớn, đó chính là phong tục tiền lì xì mừng tuổi đầu năm truyền lại sau này.

Cho đến hôm nay, phong tục mừng tuổi đầu năm lì xì cho trẻ em vẫn là một nét văn hóa dân gian truyền thống trong những ngày Tết, cùng việc con trẻ được bố mẹ mua sắm quần áo mới và cho ăn ngon, cho đi chơi chúc tết người thân, họ hàng. Có điều, trong thời hiện đại phát triển, khi đời sống kinh tế-xã hội được nâng lên thì việc lì xì mừng tuổi cho trẻ em ở không ít gia đình lại nghiêng về phía vật chất. Có thể chuyện này sẽ làm cho con trẻ nghĩ nhiều đến chuyện tiền nong mừng tuổi càng nhiều càng vui và đấy cũng là điều không hay làm mất đi vẻ đẹp văn hóa của tục lì xì ngày xưa.

Vẫn biết tặng quà mừng tuổi cho trẻ nhân dịp năm mới là một nét phong tục văn hóa lâu đời và hiện nay, khi mà điều kiện kinh tế ngày càng khá giả hơn thì giá trị kinh tế của những món quà mừng tuổi cũng tăng lên chủ yếu bằng tiền mặt với những lời chúc tốt đẹp. Nhưng việc tặng quà trẻ con ở mặt nào đó cũng tạo ra nhiều hệ lụy liên quan đến việc giáo dục trẻ con, việc hình thành nhân cách con người tương lai.

Tuy nhiên, sự quan tâm, động viên con trẻ trong những ngày Tết là điều mọi gia đình, mọi bậc cha mẹ đều hướng tới nhưng làm sao để cho sự chiều chuộng, nâng niu ấy mang ý nghĩa của một phong tục văn hóa trong lễ nghĩa gia đình thì đấy lại là điều mà các bậc phụ huynh, cô dì, chú bác cần cân nhắc cho tinh tế, chừng mực để không biến thành câu chuyện trẻ em đi đâu cũng đòi tiền mừng tuổi bằng được sẽ là một thói quen không tốt trong những ngày Tết. Qua thời gian, cho thấy các giá trị văn hóa mang ý nghĩa bản sắc truyền thống đạo lý dân tộc, kết tinh từ hàng nghìn năm vẫn phải được chúng ta giữ gìn, bảo tồn, phát triển để tồn tại trong đời sống tinh thần của người Việt.