Huyện Thường Tín cần ưu tiên số 1 vào cải tạo môi trường

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một ý kiến chỉ đạo trong buổi làm việc sáng nay (13/9) của Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại huyện Thường Tín về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 8 tháng đầu năm-trọng tâm 4 tháng cuối năm 2016.

Cùng dự có Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, đại diện các ban Đảng của Thành ủy, văn phòng HĐND-UBND TP, các sở ngành TP…

Đến xã Nhị Khê, vào thăm và dâng hương tại Khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi - vị danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trò chuyện thân mật với ông Nguyễn Thông-hậu duệ đời thứ 18 của cụ Nguyễn Trãi và viết lưu bút vào Sổ Vàng của di tích.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác cũng đến thăm làng nghề sơn mài truyền thống thôn Hạ Thái (xã Duyên Thái), tìm hiểu về kỹ thuật sơn mài độc đáo của một nghề truyền thống ra đời từ thế kỷ 17, về những nỗ lực không ngừng của đội ngũ nghệ nhân để tạo nên những sản phẩm sơn mài ngày càng chất lượng cao, mẫu mã hấp dẫn du khách thập phương.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải xem sản phẩm sơn mài tại thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải rất phấn khởi được lãnh đạo xã cho biết, sản phẩm sơn mài Hạ Thái hiện không chỉ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu làm đồ tiêu dùng và trang trí cho người dân trong nước mà còn được ưa chuộng tại nhiều thị trường thế giới như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha…, với kim ngạch xuất khẩu chiếm 70% tổng doanh thu làng nghề.
Trong buổi làm việc của đoàn công tác tại trụ sở Huyện ủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thường Tín Phùng Văn Quốc cho biết: Với diện tích hơn 127 km2, dân số trên 24 vạn người, 8 tháng qua, huyện đã đạt 954,9 tỷ đồng về tổng giá trị SXNN và 5.745,5 tỷ đồng tổng giá trị SXCN-tiểu thủ CN, đều đạt trên 65% kế hoạch năm; giá trị thương mại-dịch vụ đạt 4585,3 tỷ đồng, bằng 67,5% kế hoạch năm và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo huyện đã tổ chức kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn hỗ trợ 5 xã Ninh Sở, Văn Phú, Chương Dương, Thắng Lợi, Quất Động phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) để nâng số xã đạt chuẩn NTM lên 15/28 xã trong năm nay. UBND huyện cũng đã phê duyệt danh mục thực hiện 184 công trình đường giao thông ngõ xóm đối với 28 xã trong huyện với tổng kinh phí 15,35 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, huyện đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, đang tập trung đẩy mạnh cấp GCN quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa cho Nhân dân, với 10.189/29.169 GCN đã cấp đổi lại, phấn đấu hoàn thành trước tháng 12/2016; đồng thời cấp được 45.853 GCN quyền sử dụng đất ở, đạt 98,2%...

Để giúp địa phương hoàn thành nhiệm vụ năm 2016 và tiếp theo, tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Thường Tín đã nêu lên 11 nhóm vấn đề kiến nghị được quan tâm sớm giải quyết. Trong đó, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh nhấn mạnh: Huyện còn nghèo, trong khi nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng rất lớn, nhất là nhiều công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc… xuống cấp chưa được nâng cấp, xây mới, nên đề nghị được để lại 100% kinh phí thu được qua đấu giá đất để địa phương đủ nguồn lực tài chính tập trung đầu tư xây dựng phát triển các dự án kết cấu hạ tầng, công trình văn hóa-xã hội huyện và của thị trấn Thường Tín.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải xem sản phẩm sơn mài tại thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải xem sản phẩm sơn mài tại thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín.
Bày tỏ vui mừng khi được về thăm một địa phương có truyền thống cách mạng, được mệnh danh là “đất danh hương-đất trăm nghề”, phấn khởi về những kết quả phát triển giai đoạn 2011-2015 và 8 tháng đầu năm 2016 của huyện, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng: Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện được duy trì tốt theo hướng công nghiệp hóa suốt từ khi hợp nhất về Hà Nội, và đến nay, cơ cấu kinh tế vẫn duy trì 64,5% là công nghiệp, 34,5% là dịch vụ và 1% là nông nghiệp - đây là hướng chuyển dịch kinh tế phù hợp với lợi thế của huyện. Trong đó, giá trị SXCN, giá trị các ngành dịch vụ đều có tăng trưởng nhanh (7,5% và 8,5%), thu ngân sách tăng 152%... Huyện cũng thực hiện rất quyết liệt chương trình xây dựng NTM, thể hiện không chỉ quyết tâm của đảng, chính quyền mà còn là mong muốn của người dân xây dựng được cở sở vật chất, môi trường sống, môi trường sản xuất tốt. Huyện cũng tập trung khẩn trương triển khai các kế hoạch, chương trình công tác ngay sau đại hội Đảng các cấp, các chương trình mục tiêu có phân công rõ ràng để triển khai thực hiện. Dù còn nhiều hạn chế, song có thể thấy huyện có hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng tiến bộ: Đã nhựa hóa, cống hóa được 95% đường liên xã, cứng hóa được 79% đường thôn xóm và 87% đường ngõ xóm; đầu tư sửa chữa nâng cấp được hơn 1.000 công trình thủy lợi... Ngoài ra, Thường Tín cũng là một trong những huyện đi đầu về phát triển văn hóa thể thao, trên 55% số trường học đạt chuẩn quốc gia…

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, huyện cần nhận diện những hạn chế còn tồn tại để có giải pháp khắc phục quyết liệt, thúc đẩy địa phương phát triển mạnh mẽ hơn. Trong đó, nổi bật nhất là kết cấu hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; hệ thống cấp nước, xử lý môi trường còn nhiều yếu kém, chưa đạt tiêu chí xanh-sạch-đẹp. Nhiều chương trình cải tạo môi trường, phát triển công nghiệp, giao thông, cấp nước sạch… chưa được huyện chủ động mà còn phụ thuộc vào TP. Chẳng hạn, huyện là một đô thị nhưng lại có sự tách bạch hai hệ thống cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn là không phù hợp.

Đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị, trong điều kiện địa phương còn hạn chế về nguồn lực đầu tư, thì cần đặt ưu tiên số 1 vào vấn đề cải tạo môi trường, xử lý rác thải và vấn đề cấp nước sạch. Đặc biệt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện chưa thật sự tập trung phát triển công nghiệp hiện đại mà chủ yếu dựa vào các làng nghề, trong khi việc giải quyết vấn đề môi trường và thị trường cho làng nghề cũng đang rất nan giải. Huyện cần chú trọng hợp tác quốc tế để phát triển những KCN hiện đại, góp phần giải quyết thách thức về lao động.

“Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng là hết sức quan trọng, với mục tiêu cuối cùng phải là chuyển dịch cơ cấu về lao động. Bởi lẽ, dù chuyển dịch kinh tế như thế nào thì cuối cùng vẫn phải trả lời được câu hỏi: Người nông dân và những lao động khác có tăng được thu nhập hay không? Năm 2015 huyện mới đạt thu nhập 27,5 triệu/người, và phấn đấu năm 2020 sẽ đạt 34 triệu đồng/người - mục tiêu này mới bằng một nửa mức trung bình của TP năm 2015. Thường Tín là một mảnh đất giàu truyền thống, địa linh nhân kiệt… thì không thể dừng lại ở đó mà cần đặt cái đích cao hơn. Vì vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn phải được coi là giải pháp hết sức cấp bách của địa phương, cùng với những giải pháp quyết liệt khác”, Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Về vấn đề môi trường của huyện, đồng chí cho rằng đây cũng là vấn đề chung của TP, nhất là những huyện phía Nam. Lãnh đạo TP đang tập trung chỉ đạo giải quyết sớm, trong đó giải pháp cấp bách là phải đảm bảo nước sạch cho sinh hoạt, sau đó giải pháp lâu dài là đảm bảo nước cho sản xuất.