Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, Thường Tín hiện có hơn 700 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cụm, điểm công nghiệp. Do vậy, với sự quyết tâm phòng chống dịch trong tình hình mới của TP, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã được hoàn thiện các thủ tục để hoạt động trở lại ngay sau ngày 20/9/2021 khi TP ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND. Bên cạnh việc chú trọng sản xuất, mở lại thị trường, doanh nghiệp đã luôn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Việc kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế trước khi vào công ty được thực hiện nghiêm túc tại các đơn vị, cơ quan trên địa bàn huyện Thường Tín |
Ngay sau khi TP cho phép nới lỏng giãn cách, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, Công ty CP kỹ thuật công nghiệp Á Châu ở Cụm Công nghiệp Quất Động đã chủ động xây dựng phương án hoạt động liên tục. Với các phương án “1 cung đường, 2 điểm đến, 3 tại chỗ”, cùng các biện pháp 5K, quét mã QR được áp dụng nghiêm túc, cùng với đó người lao động được tiêm vaccine mũi 1. Đây chính là yếu tố giúp doanh nghiệp tận dụng ngay từ những ngày đầu tiên được nới lỏng giãn cách để khôi phục và duy trì sản xuất, giúp ổn định đời sống người lao động, đảm bảo đơn hàng, chất lượng sản phẩm, kéo lại thị trường.
“Được TP và huyện tạo điều kiện để hoạt động sản xuất trở lại, công ty luôn tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn thực hiện kế hoạch đã xây dựng để phát triển sản xuất như bình thường, thậm chí còn phải phát triển hơn nữa để đáp ứng được tất cả các nhu cầu của khách hàng và bù đắp lại trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, bằng mọi giá công ty còn phải kiểm soát được chất lượng sản phẩm…” - Tổng Giám đốc Công ty CP kỹ thuật công nghiệp Á Châu Phạm Đình Thắng khẳng định.
Công nhân Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất |
Tương tự, các hoạt động kinh tế - xã hội tại 29 xã, thị trấn đã sôi động trở lại. Những ngày này, trên những cánh đồng rau xanh xã Thư Phú khá đông dân ra đồng chăm sóc, thu hoạch hoa, rau màu để chuẩn bị đất cho vụ mới. Người dân nơi đây thực sự phấn khởi khi được trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy đi làm đồng ở phạm vi 1 - 3 người/một thửa ruộng. nhưng tất cả luôn tuân thủ đeo khẩu trang, không tập trung đông người. Việc mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã thuận tiện, cho nên cây rau màu được chăm sóc tốt hơn, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi hơn.
Tại xã Hà Hồi, địa phương có chợ Vồi - một trong những chợ đầu mối rau, củ, quả với lưu lượng trung chuyển hàng hóa khoảng 150 tấn/ngày, đã nhộn nhịp trở lại. Hoạt động tại chợ đã được khôi phục nên các tiểu thương rất phấn khởi. Cùng với đó, nhờ sớm được tiêm vaccine mũi 1 để phòng Covid-19 nên các tiểu thương ở chợ lại càng thêm yên tâm khi hàng ngày có mặt ở chợ giao dịch hàng hóa, tăng nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Mặt khác, tại đây hằng ngày cơ quan chức năng đều luân phiên kiểm tra đột xuất nên việc phòng dịch cũng được thực hiện nghiêm túc.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản chia sẻ, để bảo đảm hoạt động, các doanh nghiệp đều có phương án phòng, chống dịch cụ thể. Với những doanh nghiệp có nguy cơ cao, huyện yêu cầu xây dựng phương án phòng, chống dịch ở mức cao hơn, nhất là doanh nghiệp vận chuyển và giao nhận hàng hóa tại các tỉnh, TP khác đến. Một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” dù gặp khó khăn nhưng đây là biện pháp cần thiết trong thời điểm này để duy trì sản xuất ở mức tối thiểu, không bị đứt gãy vì dịch bệnh.
“Cùng với sự nỗ lực vào cuộc nhanh chóng triển khai mọi hoạt động thì việc giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương đối với hoạt động sản xuất nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, bảo đảm chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm không bị gián đoạn, giữ ổn định đời sống người lao động, góp phần trong việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép cũng được triển khai. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh và để từ nay đến cuối năm huyện Thường Tín sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự” - ông Thản nhấn mạnh.
Đoàn thanh niên xã Văn Bình ra quân hỗ trợ các hộ kinh doanh trên địa bàn tạo mã quét QR và hướng dẫn người dân quét mã QR tại các điểm mua hàng |
Cùng với đó, UBND huyện còn giao cho 29 xã, thị trấn tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Bluezone với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân”. Tổ chức các đội thanh niên tình nguyện triển khai hỗ trợ Nhân dân tải ứng dụng cài đặt, khai báo y tế điện tử và hướng dẫn quét mã QR tại các địa điểm công cộng, các cửa hàng, chợ…Tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện gắn mã QR code, kiểm soát toàn bộ người ra vào, người đến mua hàng, sử dụng dịch vụ bằng việc quét mã QR code.
Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Thường Tín Đặng Hữu Hiệp khẳng định: “Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về việc quét mã QR Code tại tất cả các đơn vị trên địa bàn, những ngày qua các cơ quan ban ngành, địa phương trong huyện đã tổ chức tuyên truyền, triển khai hướng dẫn và yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân nghiêm túc thực hiện quét mã QR code. Ngày 23/9/2021 trên toàn địa bàn mới chỉ có khoảng 500 điểm quét mã QR code, tuy nhiên đến hết ngày 2/10/2021 đã có tới 5.998 điểm quét mã QR code, mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt người thực hiện quét mã QR code thông qua các phần mềm ứng dụng khi đi, đến các cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng trên địa bàn huyện”.