Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thường Tín không chủ quan, lơ là với dịch sốt xuất huyết

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến nay, huyện Thường Tín ghi nhận gần 200 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở tại 23/29 xã, thị trấn, trong đó có 4 ổ dịch đang hoạt động. Chỉ riêng trong 3 tuần gần đây ghi nhận 92 ca bệnh SXH tập trung ở xã Văn Tự, Tô Hiệu, Vạn Điểm...

Huyện Thường Tín tăng cường phun thuốc diệt muỗi ở phạm vi toàn huyện
Huyện Thường Tín tăng cường phun thuốc diệt muỗi ở phạm vi toàn huyện

Bị rồi mới cảm thấy sợ

Bà Nguyễn Thị Hoa đã từng mắc SXH nên rất lo sợ và hiện gia đình bà đang trong ổ dịch SXH ở thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự cho nên hàng ngày bà luôn kiểm tra các chậu hoa, cây cảnh, duy trì nước đủ ẩm không để nước đọng, một trong những yếu tố  sản sinh ra muỗi SXH.

Bà Hoa cho biết: “Xung quanh nhà tôi mấy người bị SXH rồi, cho nên nhà tôi, hai ông bà lúc nào cũng phải cảnh giác, Trạm y tế hướng dẫn như thế nào là chúng tôi cũng như những hộ gia đình ở thôn xóm đều làm theo”.

Còn với chị Phạm Thị Mai, thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu nơi có ổ dịch SXH ghi nhận xuất hiện ngày 7/8 vừa qua vẫn luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như đậy kín bể nước, thả cá rô vào các bể chứa nước, thay rửa lọ hoa thường xuyên… nhưng chị vẫn bị mắc SXH.

Hiện, chị Mai đã xuất viện được gần 1 tuần nhưng vẫn luôn cảm thấy rất mệt mỏi, đi lại phải bám víu vào các vật dụng xung quanh. Tôi thường xuyên thay nước lọ hoa, dùng xong thì rửa sạch sẽ lau khô rồi mới cất đi.

Còn với bể nước mưa tôi may lớp màn tuyn đậy kín nắp bể. Bể chứa nước máy và ô chứa nước hay múc ra múc vào tôi thả 2 con cá rô, khi nào 2 con cá yếu đi là tôi lại thay bằng 2 con khác. Thế mà đợt này tôi vẫn bị mắc SXH, huống chi là không có ý thức.

“Khỏi bệnh rồi nhưng tôi vẫn thấy sợ và cảm nhận như mình vừa từ cõi tử trở về. Cho nên tôi mong tất cả mọi người cùng thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn để phòng chống SXH, đảm bảo sức khoẻ bản thân và tất cả mọi người” - chị Mai chia sẻ.

Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín Trần Ngọc Tuân cho biết: "Đáng lo ngại là hiện nay bệnh SXH đã ghi nhận ở tại 23/29 xã, thị trấn trong huyện. Đặc biết số ca bệnh lại tăng nhanh trong những tuần gần đây. Hiện xã Văn Tự, Tô Hiệu, Vạn Điểm vẫn còn tới 4 ổ dịch".

Huyện Thường Tín tăng cường các biện pháp đẩy lùi số ca mắc SXH
Huyện Thường Tín tăng cường các biện pháp đẩy lùi số ca mắc SXH

Thời gian qua, mặc dù đội ngũ cán bộ chuyên trách của trạm y tế xã đã tích cực phối hợp với lực lượng cộng tác viên ở địa phương, luôn giám sát nhắc nhở, động viên nhưng người dân nhiều nơi vẫn thờ ơ, chủ quan nên dịch SXH gia tăng là điều khó tránh khỏi.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế huyện Thường Tín, từ đầu năm 2023 đến ngày 17/8, toàn huyện đã ghi nhận gần 200 ca mắc SXH, đặc biệt trong 3 tuần trở lại đây, số ca mắc SXH có xu hướng tăng nhanh, riêng xã Văn Tự có số ca mắc cao nhất với 83 ca ở 2 ổ dịch.

Trong đó, ổ dịch ở thôn Nguyên Hanh bắt đầu xuất hiện từ ngày 20/6. Từ đó đến nay huyện và xã đã tổ chức phun thuốc liên tục với 4 lần và tổng vệ sinh môi trường tới 9 lần tại ổ dịch ở đây nhưng hiện nay tại đây vẫn còn tới 14 ca mắc SXH.

Nhiều biện pháp phòng chống

Dự báo tình hình dịch SXH trên địa bàn trong thời gian tới, bác sĩ Hồ Thị Nhung - Phó Khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Thường Tín cho biết: "Trong tháng 8 và những tháng tiếp theo của năm 2023, tình hình dịch SXH trên địa bàn huyện còn diễn biến phức tạp".

Trong đó, có những yếu tố thuận lợi dẫn đến tình trạng gia tăng và có thể là bùng phát dịch SXH là khó tránh khỏi. Đặc biệt, hiện đang là cao điểm của mùa dịch SXH. 

Cùng với đó, qua công tác giám sát, đánh giá của Trung tâm Y tế huyện phát hiện đa số hiện nay các xã, thị trấn có chỉ số bọ gậy cũng như là muỗi truyền bệnh SXH rất cao. Cùng với đó, người dân hiện nay vẫn có phần chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch SXH.

Nhiều cá nhân, gia đình vẫn còn có tư tưởng hoạt động phòng chống dịch là của cấp uỷ Đảng, chính quyền và cơ quan chuyên môn y tế, thể hiện rất rõ qua việc người dân chưa có ý thức thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại hộ gia đình.

Xã Hồng Vân phát tờ rơi tuyên truyền phòng dịch SXH
Xã Hồng Vân phát tờ rơi tuyên truyền phòng dịch SXH

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định: "Nhằm kịp thời khống chế, không để dịch có cơ hội bùng phát diện rộng trên địa bàn, bên cạnh chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi, phun hóa chất... huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Bằng cách đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền trực tiếp bằng loa kéo di động trong khoảng thời gian sáng sớm, chiều tối khi người dân ở nhà. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tuyên truyền qua mạng xã hội như facebook, zalo… để nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng, chống dịch.

Người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch SXH, vì ai cũng có thể mắc SXH từ người già, trẻ nhỏ hay thanh niên… SXH đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt".

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản đề nghị: "Người dân thực hiện các biện pháp đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn. Thau rửa dụng cụ chứa nước, lật úp dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa…

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre...Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà".