Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thường Tín: Siết chặt công tác quản lý di tích văn hóa lịch sử

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/8, Đoàn giám sát của HĐND TP do Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Trần Thế Cương làm Trưởng đoàn đã làm việc với huyện Thường Tín về công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.

Thường Tín là một trong những vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến nhất TP với tổng cộng 445 công trình tôn giáo, tín ngưỡng và di tích lịch sử, văn hóa, với 2 di chỉ khảo cổ, 145 chùa, 125 đình cùng các loại hình đền, miếu, lăng tẩm... Trong đó, 110 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp TP. Theo Phòng VHTT huyện Thường Tín, dù huyện rất cố gắng bảo tồn, song đa số các di tích đã bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó 16 di tích đang xuống cấp nghiêm trọng như: Khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê), đền - bến Chương Dương (xã Chương Dương), chùa Pháp Vân (xã Văn Bình)...

 Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương phát biểu tại buổi làm việc​

Trước thực trạng này, cùng những giải pháp của địa phương, UBND huyện Thường Tín kiến nghị TP tăng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý cho cán bộ cơ sở về thực hiện quy trình tu bổ, tôn tạo di tích. Đồng thời điều chỉnh quy chế quản lý di tích của TP theo hướng cụ thể, phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ thủ tục hành chính về tu bổ tôn tạo di tích để huyện hướng dẫn cơ sở. Trước mắt, đề nghị TP hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích cấp thiết chống sập đổ giai đoạn 2017 - 2020 cho 5 di tích được xếp hạng Quốc gia: Chùa Pháp Vân (xã Văn Bình), đình Đình Tổ (xã Nguyễn Trãi), đình Lam Sơn (xã Minh Cường), đình Hạ Tự Nhiên (xã Tự Nhiên), đình Phú Mỹ (xã Thư Phú).

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Trần Thế Cương đánh giá rất cao sự vào cuộc của huyện Thường Tín trong đầu tư cho di tích, triển khai các văn bản chỉ đạo, tăng tuyên truyền giáo dục... Tuy nhiên, huyện cần quan tâm hơn trong quản lý di tích, hành lang bảo vệ, trong đó, Phòng VHTT cần phối hợp tốt với Phòng Quản lý đô thị, tăng phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan liên quan. Đoàn sẽ xem xét lại danh mục 5 di tích mà huyện kiến nghị được hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp, để đề xuất TP.

 Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cũng đề nghị Sở VHTT đẩy mạnh tập huấn cho cán bộ địa phương trong tu bổ, tôn tạo di tích và huyện lập hồ sơ cho hơn 330 di tích còn lại, trong đó BQL di tích danh thắng TP, Phòng Di sản (Sở VHTT) cần hỗ trợ huyện nhằm siết chặt công tác quản lý di tích văn hóa lịch sử. Đồng thời, huyện cần kiện toàn, nâng cao hiệu quả các BQL di tích, bồi dưỡng thù lao và đào tạo thêm cho người trông nom di tích, bởi người “thổi hồn” vào di tích là yếu tố rất quan trọng làm “ấm” di tích, thu hút khách tham quan.