Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thường Tín: Tạo đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Hoàng Thu Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, huyện Thường Tín đã dành sự quan tâm đặc biệt đến quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng khung, từ đó tạo bước đột phá trong lưu thông hàng hóa, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh.
Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh.

Để làm rõ mục tiêu, chiến lược đã tạo nên những diện mạo mới của mảnh đất này sau 15 năm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Minh - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín.

Đất “danh hương”, đất “trăm nghề”

Thưa ông, huyện Thường Tín được người ta biết đến là mảnh đất “danh hương”, cũng là mảnh đất “trăm nghề”, đây chính là lợi thế của địa phương trong quá trình phát triển?

- Thường Tín là huyện ngoại thành phía Nam của Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn huyện có 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 126 di tích được xếp hạng. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như chùa Đậu; đền, bến Chương Dương; nhà thờ Nguyễn Trãi; Văn từ Thượng Phúc… Toàn địa bàn huyện có 11 cụm công nghiệp đã được lấp đầy, thu hút 200 DN và 550 hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Bên cạnh đó, Thường Tín còn có 82 làng có nghề, trong đó 48 làng nghề truyền thống, 1 làng nghề Hà Nội với khoảng 16.000 cơ sở sản xuất và hàng trăm DN, tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động.

Một số nghề truyền thống tiêu biểu đã gắn bó với người dân địa phương hàng trăm năm nay như nghề thêu tay, sơn mài, mộc gỗ dân dụng, điêu khắc, mây tre đan, lược sừng, đan cước lưới… đem lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Tuy nhiên, có những giai đoạn, sự phát triển của Thường Tín chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương?

- Thời gian qua, được sự quan tâm của TP, Thường Tín đã chú trọng đến công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, làng nghề để có mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho DN và hộ gia đình. Tuy vậy, hạ tầng khung của huyện vẫn tồn tại hạn chế về hệ thống giao thông, hệ thống cấp, thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ…

Diện mạo quê hương Thường Tín ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quý Tô
Diện mạo quê hương Thường Tín ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quý Tô

Ông đánh giá thế nào về công tác quy hoạch hạ tầng khung của huyện?

- Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt và quy hoạch chung của huyện được UBND TP phê duyệt, hệ thống hạ tầng khung qua địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thông thời điểm hiện tại. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy, huyện đã làm hồ sơ xây dựng quy hoạch vùng huyện để huy động nguồn lực thực hiện giải pháp phát triển kiến trúc hạ tầng, kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhất là nguồn lực tại chỗ của địa phương gặp nhiều khó khăn nên trong thời gian dài việc đầu tư hạ tầng khung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dẫn đến tiềm năng, lợi thế của Thường Tín chưa được khai thác tốt.

“Đánh thức” tiềm năng phát triển

Ông có thể cho biết rõ hơn về sự quan trọng của quy hoạch hạ tầng khung đối với sự phát triển của huyện Thường Tín?

- Vị trí huyện Thường Tín nằm ở nơi tập trung nhiều tuyến đường giao thông hướng tâm kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phía Nam có mật độ giao thông lớn. Việc thi công, quy hoạch xây dựng và mở rộng các tuyến đường hạ tầng khung được đặt lên hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo động lực phát triển đồng bộ, toàn diện.

Tuy nhiên, phần lớn các tuyến đường hạ tầng khung theo phân cấp không thuộc thẩm quyền đầu tư và quản lý của huyện như: Quốc lộ 1A (cũ), trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên, cầu vượt Dương Trực Nguyên... Đặc biệt là một số dự án đầu tư triển khai thi công còn chậm so với yêu cầu đặt ra do nguồn ngân sách của huyện chưa cân đối được thu - chi.

Những vướng mắc nêu trên đã được huyện Thường Tín tháo gỡ như thế nào?

- Để đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tuyến đường hạ tầng khung, huyện đã đề xuất với TP cho phép địa phương chủ động đầu tư một số tuyến đường đi qua địa bàn bằng nguồn ngân sách huyện. Bên cạnh đó, Thường Tín cũng dành phần lớn nguồn thu để đầu tư xây dựng các xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, các dự án giao thông, hạ tầng khung trên địa bàn và các dự án đường trục xã, đường liên xã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực nói chung và hạ tầng giao thông của Thường Tín nói riêng.

Diện mạo quê hương Thường Tín ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quý Tô
Diện mạo quê hương Thường Tín ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quý Tô

Thời gian qua, Thường Tín được đánh là địa phương có sự bứt phá về xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ông có thể cho biết cụ thể hơn?

- Tôi xin nêu một số dự án trọng điểm đã và đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Thường Tín:

Dự án mở rộng đường Quốc lộ 1A (cũ) vốn ngân sách của TP làm 1/2 mặt cắt ngang qua địa bàn Thường Tín: đoạn Km189 đến Km194, tổng mức đầu tư: 247,268 tỷ đồng, đang triển khai thi công đạt khoảng 60% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 427 đoạn từ Quốc lộ 21B đến nút giao Khê Hồi (đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) địa bàn huyện Thường Tín. Tổng mức đầu tư 200,610 tỷ đồng, đang triển khai thi công đạt khoảng 45% khối lượng, hoàn thành trong năm 2023.

Dự án đường liên xã Hà Hồi - Quất Động, tổng mức đầu tư 85 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Dự án cầu vượt nút giao đường Tỉnh lộ 427 với đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 1A (cầu Dương Trực Nguyên).

Tổng mức đầu tư 282,913 tỷ đồng vốn ngân sách huyện, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Dự án mở rộng nâng cấp 1,6km Quốc 1A cũ đủ mặt cắt ngang 30m đi qua thị trấn Thường Tín, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng bằng vốn ngân sách huyện. Dự án cải tạo, nâng cấp mặt đê sông Hồng; Dự án xây dựng mới gần 3km đường trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 đến Tỉnh lộ 429...

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của huyện, tổng vốn dự kiến bố trí cho các dự án giao thông, dự án hạ tầng khung là 3.700 tỷ đồng.

Thưa ông, điều đó đã có tác động ra sao tới sự phát triển của địa phương?

- Những dự án hạ nêu trên đã tạo nên mạng lưới giao thông chính theo hướng Bắc - Nam, Đông – Tây, giúp giảm tối đa ùn tắc giao thông, tối ưu thời gian tiếp cận đến trung tâm hành chính, khu công nghiệp, khu du lịch của huyện. Cùng với việc xây dựng kết cấu hạ tầng khung đồng bộ đã góp phần tăng kết nối giao thương, vận chuyển, tạo đòn bẩy phát triển toàn diện, bền vững. Qua đó, giúp Thường Tín bảo đảm các tiêu chí huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 và phấn đấu trở thành Quận của Thủ đô giai đoạn 2025 - 2030.

Kết quả thu được tại thực Thường Tín một lần nữa chứng minh: Hạ tầng kỹ thuật cần đi trước một bước mới có thể tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!