Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Ứng Hòa: Đổi mới giáo dục, tạo động lực phát triển

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong những năm qua, huyện Ứng Hòa thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

Hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp tiểu học năm học 2023 – 2024 trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Ảnh: Lại Tấn
Hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp tiểu học năm học 2023 – 2024 trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Ảnh: Lại Tấn

Nâng cao chất lượng giáo dục

Tại Hội thi giáo viên dạy giỏi TP cấp tiểu học năm học 2023 – 2024, trên địa bàn huyện Ứng Hòa có 5 giáo viên tham gia ở 5 môn gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội và Tiếng Anh đến từ các trường Tiểu học: Vạn Thái, Kim Đường, Trường Thịnh, Quảng Phú Cầu và Hòa Phú. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại Trường Tiểu học Liên Bạt (Ứng Hòa), trong mỗi tiết học, các giáo viên đều có sự sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, giúp học sinh “học thông qua chơi”. Từ đó, các em chủ động hợp tác, tự tin khi trao đổi, chia sẻ, bày tỏ ý kiến để lĩnh hội kiến thức, vận dụng bài học vào hoạt động trải nghiệm một cách thiết thực, gần gũi.

 

Huyện Ứng Hòa cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ về đội ngũ giáo viên mà cả đội ngũ cán bộ quản lý để tạo ra động lực mới. Cùng với đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng để tạo ra sự phát triển và có phương án liên kết với những cơ sở giáo dục đầu ngành. Ngoài ra, phải sắp xếp quy hoạch trường lớp và dự báo được sự gia tăng dân số để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong

Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa Nguyễn Thanh Sơn, hội thi giáo viên dạy giỏi là dịp để giáo viên được giao lưu, thể hiện năng lực, cùng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học; khai thác, sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện dạy học. Đồng thời đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thông qua hội thi cũng tôn vinh giáo viên dạy giỏi, nhân rộng những điển hình tiên tiến, hạt nhân nòng cốt, lan tỏa những bài giảng hay, hữu ích đến đồng nghiệp và học sinh. Đây cũng là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, củng cố lực lượng giáo viên cốt cán phục vụ cho các hoạt động chuyên môn. Từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông.

Quan tâm đặc biệt đến giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ngày 21/8/2021, UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành Đề án số 09/ĐA-UBND về “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo huyện Ứng Hòa giai đoạn 2021 - 2025”. Ngày 18/10/2023, UBND huyện Ứng Hoà ban hành Đề án số 02/ĐA-UBND về việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Ứng Hoà giai đoạn 2023 -2028. Theo đó, huyện ưu tiên nguồn lực cùng nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên của huyện được bồi dưỡng, học tập đạt chuẩn theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ về quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; trình độ ngày càng được nâng lên. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên của huyện đạt chuẩn 92%.

Bên cạnh đó, huyện Ứng Hòa tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học mầm non, tiểu học và THCS, đặc biệt là chất lượng học sinh cuối cấp. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp đạt kết quả cao. Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công tác phát triển mạng lưới trường lớp theo quy hoạch, việc rà soát, cập nhật, bổ sung quy hoạch trường học trên địa bàn các xã, thị trấn cũng được huyện Ứng Hòa quan tâm thường xuyên.

Đến nay, huyện đã có hệ thống trường học phủ kín 29 xã, thị trấn ở tất cả các cấp học, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Từ năm 2021 đến nay, huyện có thêm 17 trường đạt chuẩn mới và 7 trường chuẩn được công nhận lại, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 87/90 trường, đạt 96,66%. Năm 2023 có 14/14 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 11 trường đạt chuẩn mức độ 2 nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là 13 trường.

Tháng 5/2023, Trường THCS Hòa Phú đã được huyện Ứng Hòa đầu tư xây dựng khu trường học mới. Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hữu Phúc cho biết: “Trước đây, trường có 12 lớp. Sau khi có khu vực xây thêm, trường bổ sung được 2 phòng học thường; 4 phòng chức năng gồm: âm nhạc, mỹ thuật, tin học, ngoại ngữ. Trên cơ sở đó, những năm qua, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã gặt hái được nhiều thành công trong chuyên môn. Đặc biệt trong kết quả mũi nhọn học sinh giỏi, giáo viên giỏi và kết quả thi vào lớp 10 THPT. Cụ thể, kết quả tốt nghiệp lớp 9 đạt 98%, kết quả thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 xếp thứ 5/30 trường, năm học 2022 - 2023 xếp thứ 3/30 trường trong huyện”.

Vẫn còn khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT huyện Ứng Hoà còn một số hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Cụ thể, một số trường tiểu học, THCS còn thiếu phòng thư viện, phòng học bộ môn, thí nghiệm thực hành, nhà đa năng… Một số trường chuẩn quốc gia đã đến thời gian công nhận lại chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp.

Tại hội nghị làm việc giữa Sở GD&ĐT TP Hà Nội với huyện Ứng Hòa để bàn các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục mới đây, Hiệu trưởng Trường THPT Ứng Hòa A Nguyễn Nam Anh đề xuất, mặc dù là trường đứng đầu huyện nhưng cơ sở vật chất của trường còn khó khăn. Cụ thể, khu phòng học, trường chỉ có dãy nhà 3 tầng đạt chuẩn, còn lại các cơ sở vật chất khác đều không đạt (phòng học, sân vận đọc, phòng học bộ môn).

"Ngày 18/5/2023, huyện Ứng Hòa đã phê duyệt chủ trương mở rộng, cải tạo Trường THPT Ứng Hòa A. Đây là niềm vui lớn của nhà trường, phụ huynh, học sinh. Nhà trường mong muốn Sở GD&ĐT tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công công trình cải tạo, mở rộng Trường THPT Ứng Hòa A để bảo đảm công tác dạy và học" - Hiệu trưởng Trường THPT Ứng Hòa A Nguyễn Nam Anh bày tỏ.

Dù còn nhiều khó khăn, song chất lượng giáo dục của huyện Ứng Hòa ngày càng tiến bộ, nhất là ở cấp THCS. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường THPT công lập hàng năm đều đạt trên 80%. Năm học 2023 - 2024, tỷ lệ này đạt hơn 94%, tăng 5,2% so với năm học trước; điểm thi trung bình xếp thứ 23/30 quận, huyện, thị xã, tăng 4 bậc so với năm học trước. Ở cấp THPT, huyện Ứng Hòa có Trường THPT Ứng Hòa A lọt tốp 10 trường có điểm trung bình môn thi tốt nghiệp cao nhất TP Hà Nội ở hai môn Vật lý và Hóa học.

Tại hội nghị giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn huyện Ứng Hòa vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà lưu ý, nhiều năm nay, giáo dục của huyện đều xếp thứ hạng chưa cao so với toàn TP. Vì vậy, huyện phải tìm ra nguyên nhân để có hướng giải quyết; nghiên cứu quy hoạch lại mạng lưới trường và định hướng về mô hình trường học, tránh đầu tư dàn trải, không mang lại hiệu quả cao.