Hiệu quả từ chuyển đổi
Theo Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Hồng Nhật, trong những năm gần đây, với việc tập trung chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền công tác quản lý Nhà nước về mô hình chuyển đổi nội bộ đất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đến năm 2020 và công tác quản lý quỹ đất công ích trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến quan trọng.
Đã có 17/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng với tổng diện tích 135/153ha, đến nay đã thực hiện chuyển đổi được 91,03ha, đạt 59,5% kế hoạch. Sau khi được phê duyệt chuyển đổi các hộ gia đình đã tích cực đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình mang lại thu nhập cao cho người dân, đạt bình quân từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
Đối với công tác quản lý quỹ đất công ích cũng được tích cực triển khai; đã tập trung tổ chức thống kê, đo đạc 613,1ha diện tích đất công ích theo hệ thống để đảm bảo quản lý theo quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch để sử dụng quỹ đất công ích có hiệu quả.
“Bước đầu chủ trương chuyển đổi mô hình trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện là phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiệu quả bền vững; phần lớn các mô hình chuyển đổi đều có hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa; giúp sử dụng hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Nhật cho hay.
Kiên quyết thu hồi nếu sử dụng sai mục đích
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Nhật, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác chuyển đổi nội bộ đất nông nghiệp trên đất trồng lúa đến năm 2020 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như sử dụng sai mục đích, vi phạm trật tự xây dựng trên đất chuyển đổi…
Trên cơ sở đó, HĐND huyện Thạch Thất đã nhất trí với những giải pháp trong thời gian tới, cụ thể: Về mô hình chuyển đổi trong nội bộ đất nông nghiệp, những mô hình còn thời hạn, không vi phạm, có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch thì đã giữ nguyên hiện trạng, cấm xây dựng thêm các công trình ngoài nội dung cho phép của huyện, nếu vi phạm sẽ lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Đối với mô hình đã hết hạn, nếu không vi phạm, có hiệu quả thì giữ nguyên hiện trạng, không được xây dựng thêm các công trình, tiếp tục đầu tư thâm canh để nâng cao hiệu quả; mô hình không hiệu quả, vi phạm thì lập hồ sơ, xác định từng loại vi phạm, mức độ vi phạm để xử lý dứt điểm; nếu tự chuyển đổi thì sẽ xử lý theo quy định.
Đối với quỹ đất công ích, đẩy mạnh rà soát, phân loại để có phương án xử lý đối với từng loại đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định.
Ngoài ra, Thường trực HĐND huyện cũng yêu cầu các ngành và các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến kiến thức pháp luật về công tác quản lý nhà nước về mô hình chuyển đổi nội bộ đất nông nghiệp và công tác quản lý đất công ích đảm bảo công khai, minh bạch.