Huyện “xin” cơ chế đặc thù

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khó khăn quỹ đất, thiếu trang thiết bị dạy và học, thiếu kinh phí… là phản ánh của lãnh đạo quận, huyện tại buổi giao ban trực tuyến của Sở GD&ĐT Hà Nội với các quận, huyện, thị xã về tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) năm 2014 và công tác kiểm tra thẩm định lại trường đạt CQG sáng 19/6.

Đầu tư chưa đúng hướng
Theo Sở GD&ĐT, tỷ lệ trường đạt CQG toàn TP tính đến 16/6/2014 là 913/2433 trường, trong đó, công lập là 885/2047 trường. 9 đơn vị có tỷ lệ xây dựng trường chuẩn đạt hơn 60% là: Bắc Từ Liêm (76,9%), Tây Hồ (75%), Hà Đông (71,4%), Long Biên (70,9%)... Ngược với các quận, huyện hoàn thành vượt chỉ tiêu, lại có những quận, huyện thực hiện không đạt mục tiêu như: Phú Xuyên (15,9%), Ba Vì (21,3%), Hai Bà Trưng (31,7%)… Đánh giá về tình trạng xây dựng trường đạt CQG thấp ở một số quận, huyện, ông Nguyễn Viết Cẩn – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Việc xây dựng kế hoạch ở một số đơn vị chưa phù hợp, gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Danh mục các trường đăng ký xây dựng trường đạt CQG chưa sát với thực tế. “Mục tiêu đến năm 2015 phấn đấu đạt 50 - 55% trường đạt CQG, các đơn vị có tỷ lệ trường đạt CQG thấp đã xây dựng kế hoạch để đạt mục tiêu. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa trọng điểm, đúng hướng, chưa quyết liệt nên không đạt chỉ tiêu đề ra. Một số huyện còn đợi sự hỗ trợ kinh phí từ TP; đầu tư chưa hiệu quả và phù hợp với kinh tế địa phương” - ông Cẩn nhấn mạnh.
Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm - một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội.             Ảnh: Mai Chi
Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm - một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội. Ảnh: Mai Chi
Thiếu kinh phí

Tại cuộc giao ban, bà Nguyễn Thị Hào – Phó Trưởng phòng giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT cho biết: Đến 2015, cấp mầm non đạt 50% số trường đạt CQG, đây là bài toán khó. “Năm học 2014 - 2015, một số quận, huyện đã xây dựng kế hoạch, nhưng không đạt chỉ tiêu đề ra. Điển hình là huyện Phú Xuyên không đạt, một số huyện đạt tỷ lệ thấp như Ba Vì, Thường Tín, Quốc Oai…  Một số đơn vị xây dựng công trình vệ sinh không phù hợp kích cỡ, lứa tuổi mầm non. Sau khi kiểm tra, thẩm định, phải làm lại, gây tốn kém, lãng phí. Để đạt tiêu chí trường CQG, các đơn vị cần quan tâm thêm tiêu chí về đội ngũ, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn mầm non” - bà Hào đề nghị.

Đại diện lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, dù không bị áp lực về sĩ số học sinh/lớp, nhưng rất khó khăn về kinh phí để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất. “Hệ thống có quy mô nhỏ, có trường nằm theo đơn vị xã, thị trấn, số học sinh trên địa bàn ít. Do đó việc đầu tư cơ sở vật chất gặp khó khăn. Rất mong Ban Chỉ đạo của TP tiếp tục đầu tư kinh phí, có cơ chế phù hợp các quận, huyện khó khăn, đặc biệt là có cơ chế đặc thù cho huyện Mê Linh về kinh phí xây dựng trường đạt CQG” – vị này kiến nghị.

Tại buổi giao ban, bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã ghi nhận những nỗ lực của các quận, huyện trong việc đầu tư, xây dựng trường đạt CQG. Song, UBND các quận, huyện, thị xã cần hướng dẫn, chỉ đạo các trường rà soát, phân loại, lập kế hoạch thực hiện giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn và hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Đồng thời lưu ý, cập nhật những tiêu chí mới và chủ động thẩm định lại các trường trên địa bàn đã quá hạn kiểm tra. Bà Nga cũng cho biết, sẽ kiến nghị TP đầu tư kinh phí cho mục tiêu xây dựng trường đạt CQG; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng trường CQG cho 5 huyện có tỷ lệ trường đạt CQG thấp và nguồn kinh phí khó khăn, giúp giảm sự chênh lệch về điều kiện giáo dục giữa các quận, huyện.