Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hy Lạp và các chủ nợ đàm phán giải ngân 8,1 tỷ euro

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hy Lạp đang cần tiền để thanh toán cho khoản trái phiếu trị giá 2,2 tỷ euro vào tháng Tám. Tuy nhiên, triển vọng của cuộc đàm phán này vẫn chưa rõ ràng do Hy Lạp không đạt mục tiêu trong kế hoạch tư nhân hóa và cải cách khu vực nhà nước theo điều kiện của bộ ba chủ nợ đưa ra.

Sau hai tuần gián đoạn, ngày 1/7, Hy Lạp và "bộ ba" chủ nợ quốc tế, gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, đã bắt đầu đàm phán lại việc giải ngân khoản 8,1 tỷ euro (10,5 tỷ USD) trong gói cứu trợ.

Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras mong muốn nhanh chóng khôi phục đàm phán để có thể nhận được khoản cứu trợ trên vào cuối tháng.

Hy Lạp đang cần tiền để thanh toán cho khoản trái phiếu trị giá 2,2 tỷ euro vào tháng Tám. Tuy nhiên, triển vọng của cuộc đàm phán này vẫn chưa rõ ràng do Hy Lạp không đạt mục tiêu trong kế hoạch tư nhân hóa và cải cách khu vực nhà nước theo điều kiện của bộ ba chủ nợ đưa ra.
 
Hy Lạp và các chủ nợ đàm phán giải ngân 8,1 tỷ euro - Ảnh 1
 
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras. (Nguồn: AP)

Hy Lạp đã thất bại trong việc bán công ty khí đốt DEPA, trong khi đó, công ty bảo hiểm y tế nhà nước EOPPY bị thâm hụt hơn 1 tỷ euro. Quốc gia này cũng không thực hiện được thời hạn trong tháng Sáu phải đưa 12.500 nhân viên nhà nước vào kế hoạch luân chuyển hoặc sa thải.

Bởi vậy, Chính phủ Hy Lạp sẽ yêu cầu các nước chủ nợ giảm mục tiêu của chương trình tư nhân hóa của năm nay xuống còn 2,6 tỷ euro. Nếu đàm phán thất bại, IMF có thể sẽ phải rút khỏi chương trình cứu trợ để tránh vi phạm các nguyên tắc tài trợ của tổ chức này.

Hiện chính phủ của Thủ tướng Samaras đang gặp khó khăn do mất đi một đối tác trong liên minh cầm quyền sau vụ đóng cửa đài phát thanh ERT, khiến liên minh cầm quyền dù chiếm đa số trong Quốc hội (300 ghế) nhưng chỉ hơn phe đối lập 3 ghế.

Theo các nhà phân tích, Quốc hội Hy Lạp khó có thể thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới do Chính phủ đề xuất, do sau bốn năm thực hiện chính sách này đã đẩy Hy Lạp vào thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất, với tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức kỷ lục 27%.

Từ năm 2010, EU và IMF đã cam kết cho Hy Lạp vay tổng cộng 240 tỷ euro. Đổi lại, Chính phủ Hy Lạp phải thực hiện chính sách kinh tế khắc khổ, đồng thời tiến hành nhiều cuộc cải cách và các điều kiện kèm theo do các chủ nợ quốc tế đưa ra./.