Kinhtedothi - Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) mới chỉ có được một HCV và đang bị đẩy sâu xuống nửa cuối của bảng tổng sắp huy chương ASIAD 17. Thế nhưng, đứng trên góc độ của các nhà chuyên môn, có thể thấy rằng, TTVN đang có được một kỳ ASIAD thành công nhất từ trước đến nay.
Về nhì vẫn vui
Đến thời điểm này, đoàn TTVN đã có được một HCV và 9 HCB. Về lý thuyết, đoàn TTVN vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu giành từ 2 - 3 HCV ở ASIAD 17. Nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào những ngày thi đấu tiếp theo khi các nội dung chủ lực như karatedo, judo, taekwondo nhập cuộc.
Với nhiều nhà chuyên môn, 9 HCB ở những môn thể thao Olympic đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của TTVN trên đấu trường châu lục. Bởi, bên cạnh thứ hạng trên bảng tổng sắp huy chương thì sức mạnh của một nền thể thao dựa trên thành tích ở những môn thể thao căn bản. Đây chính là điểm yếu nhất của TTVN trong nhiều kỳ ASIAD trước đây. Ở những Á vận hội trước, dù giành được khá nhiều huy chương nhưng vị trí trên bảng tổng sắp của TTVN vẫn không thật sự cao, bởi thành tích của các môn thể thao Olympic vẫn rất nghèo nàn.
Giờ thì khác, trong những lần về nhì của TTVN tại ASIAD 17, có rất nhiều nội dung vốn không thuộc thế mạnh của chúng ta như điền kinh, bắn súng, đua xe đạp, đua thuyền và cử tạ. Trường hợp của 2 nữ VĐV là Quách Thị Lan (chạy 400m), Nguyễn Thị Thật (đua xe đạp), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) xứng đáng gọi là kỳ tích, bởi ở nội dung này, chúng ta chưa một lần giành HCB ở đấu trường ASIAD. Thậm chí, 2 tấm HCĐ của kình ngư trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên cũng rất đáng để khen ngợi bởi đường đua xanh vốn được coi là không dành cho các VĐV Việt Nam. Đây chính là thay đổi quan trọng nhất mà đoàn TTVN đã có được tại ASIAD lần này. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, ngay cả khi không hoàn thành được chỉ tiêu vàng thì với những tấm HCB quý giá, vị thế của TTVN vẫn được cải thiện so với các kỳ Á vận hội trước.
Không chạy theo thành tích
Chỉ thua nhà vô địch, có nghĩa là các VĐV Việt Nam hoàn toàn có thể cố gắng giành được ngôi vị cao nhất. Và quan trọng hơn, TTVN đã có được sự ghi nhận từ đấu trường vốn nổi tiếng là khắc nghiệt. Đây chính là điều mà phải mất rất nhiều năm chúng ta mới có được. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giành HCB ở các môn thể thao Olympic còn giá trị hơn rất nhiều những tấm HCV ở các môn thể thao trong định hướng "đi tắt đón đầu" vốn chịu nhiều tác động của yếu tố hậu trường. Và, ở một góc độ khác, TTVN đã có được một hướng đi đúng khi bắt đầu tiếp cận với nhóm có khả năng giành huy chương ở những môn thể thao căn bản.
Sau những lời cảnh báo về niềm vui tạm thời với chiến lược phát triển theo kiểu "mỳ ăn liền", TTVN đứng trước đòi hỏi phải hướng đến tinh thần Olympic. Vì thế, hàng loạt VĐV tài năng ở các môn Olympic hoặc nhóm căn bản như điền kinh, bơi lội, cử tạ, boxing đã nhận được sự đầu tư rất lớn. Những chuyến tập huấn dài hạn và liên tục ở nước ngoài đã giúp các VĐV của chúng ta nâng cao trình độ, tích lũy thêm kinh nghiệm và rèn luyện bản lĩnh thi đấu. Bằng chứng là trong ngày 30/9, lần đầu tiên boxing Việt Nam đã có được 2 tấm HCĐ ở đấu trường ASIAD.
Không chạy theo thành tích, hướng đến những giá trị căn bản, TTVN đã có cho mình được một tư duy phát triển đúng. Hy vọng, thành công ban đầu ở ASIAD lần này sẽ mở ra con đường phát triển chuyên nghiệp cho nền thể thao nước nhà.
Quách Thị Lan (bên phải) với tấm huy chương Bạc giành được tại Asiad 17.
|