Cả nước mới giải ngân 1/6 gói hỗ trợ
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, đến ngày 2/9, có khoảng trên 55.000 tỷ trong tổng số gần 350.000 tỷ đồng từ gói phục hồi kinh tế được giải ngân. Như vậy, sau 8 tháng được Quốc hội thông qua, mới giải ngân được khoảng 1/6 gói hỗ trợ tới người dân, lao động.
Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân được hơn 10.000 tỷ đồng. Khoảng 4,54 triệu lao động trên cả nước được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà, với tổng số tiền 3.045 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của các ngân hàng dành cho DN, hộ kinh doanh... giải ngân được 13,5 tỷ đồng.
Cùng đó, chính sách tài khoá như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế môi trường với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng. Khoản chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.400 tỷ đồng. Ngoài ra, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội được thông qua hồi đầu năm 2022 có 5 giải pháp chính, gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư, nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ đầu tư công và phục hồi cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; và cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong gói phục hồi, 46.000 tỷ đồng được dành cho mua vaccine phòng Covid-19 và trang thiết bị y tế; 64.000 tỷ đồng miễn giảm, thuế; 38.400 tỷ cho tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; 6.000 tỷ tiền giảm chi phí cơ hội, giãn tiến độ nộp thuế; 6.600 tỷ là tiền hỗ trợ cho người lao động thuê nhà. Ngoài ra, gói cũng dành 176.000 tỷ chi đầu tư công, trong đó có 134.000 tỷ dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính, việc triển khai các nội dung trong gói phục hồi được đánh giá là chậm so với kỳ vọng và mong muốn của hàng triệu đối tượng đang chờ hỗ trợ. Đơn cử như gói hỗ trợ tiền thuê nhà (6.600 tỷ đồng), Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo cả nước phải hoàn thành hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong tháng 8, nhưng đến nay nhiều tỉnh chưa hoàn thành, dù ngân sách trung ương đã tạm ứng 70%.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng, do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp, chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt.
Trong khi đó, việc trợ lãi suất 2% còn hạn chế. Ông Phạm Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, xác nhận phần đông DN đang khó khăn trong việc tiếp cận chính sách này. Do khoản 1 điều 4 của Nghị định 31 quy định, khách hàng để được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nghĩa là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo...
Về giải ngân đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến ngày 31/8 là hơn 212.227 tỷ đồng, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Giải ngân đầu tư công chậm được cải thiện, đây là vấn đề kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân cơ bản do dàn trải, manh mún, chia cắt; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tập trung chỉ đạo; thủ tục hành chính còn rườm rà. Trong khi đó, một số danh mục dự án cũng chưa hoàn thiện, vẫn còn một phần tiếp tục chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường như vậy là chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của chương trình.
8 tháng qua, cả nước có 68.900 DN tạm ngừng hoạt động, DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34.300, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhất là đối với các DN bất động sản, cũng thuộc đối tượng được vay ưu đãi để cải tạo chung cư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nhưng hiện tại, nhiều dự án nhà ở xã hội đang chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công do chủ đầu tư và người mua “cạn vốn”.
Bên cạnh đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ do giải ngân chậm trễ như: Sân bay Long Thành; một số cảng logistics lớn; cao tốc Bắc - Nam; cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch…Nhiều chuyên gia cho rằng, khi vốn đầu tư công chậm phân bổ sẽ không giải quyết được các ách tắc hiện nay trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là với những vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời kéo chậm tốc độ hồi phục, phát triển của nền kinh tế nói chung.
Cắt giảm thủ tục còn rườm rà, điều chuyển vốn
8 tháng năm 2022, kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc nhưng cũng đang đối diện những thách thức về biến động giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi... Nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, Bộ trưởng KH&ĐT nhận xét, có thể làm suy giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống người dân.
TS Võ Trí Thành đánh giá tốc độ giải ngân gói 347.000 tỷ đồng đang quá chậm. Với tiến độ này, có thể hết năm 2022 chỉ giải ngân được khoảng 20% tổng số vốn. Hiện đã sang quý III/2022, nhiều chuyên gia đánh giá không thể giải ngân hết theo kế hoạch, đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội phục hồi, phát triển của hàng chục nghìn DN, hàng triệu người dân và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nói chung.
Việc triển khai chậm còn làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người lao động, DN khó khăn. Trước thực trạng trên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị, để những hy vọng của người dân, DN không bị "nguội lạnh", Chính phủ cần mạnh tay hơn nữa tháo gỡ những điểm nghẽn đang tồn tại.
Theo Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, khi xây dựng gói 6.600 tỷ đồng, Bộ đã nghiên cứu thủ tục đơn giản nhất có thể, nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong chi trả sinh hoạt phí như chăm sóc con cái, điện nước, sinh hoạt phí... "Việc đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ là hết sức cần thiết, nếu không nói đây vừa là trách nhiệm vừa là bổn phận" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Vừa qua, NHNN đã cấp thêm room tín dụng cho một số ngân hàng. NHNN cũng nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại nghị định của Chính phủ và thông tư của NHNN để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.
Trăn trở vì gói này chậm triển khai, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, xét về nguồn lực, quy trình thủ tục hành chính và phân cấp, tất cả đều sẵn sàng và phân cấp tối đa, nên "thực tế không có lý do để chậm". “Chúng ta cần sự quyết tâm đặc biệt, một cách làm đặc biệt"- ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Như đầu tư công được coi là đòn bẩy cho phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, tuy nhiên đến nay còn chậm. “Để đẩy nhanh, quy trình, thủ tục cần thay đổi gì để nhanh hơn, hay cần bổ sung giải pháp gì không, có thể dành cơ hội cho DN tư nhân trong các dự án đầu tư hạ tầng? Nếu thời gian tới tình hình giải ngân không tiến triển, đề nghị chuyển nguồn lực này cho khu vực tư nhân thông qua các gói hỗ trợ. Có như vậy, chúng ta mới đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 7% cho cả nhiệm kỳ” - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam kiến nghị.
Các quy định về nguyên tắc, đối tượng, điều kiện áp dụng tại những văn bản hướng dẫn thực thi cần hết sức rõ ràng, cụ thể. Yêu cầu về thẩm định hồ sơ và giám sát để đến đúng địa chỉ là cần thiết song không nên quá nhiều thủ tục.
Mặt khác, cần thực hiện việc đánh giá hiệu quả sau từng giai đoạn thực thi, nếu thấy hiệu quả không cao có thể chuyển nguồn lực này sang gói hỗ trợ tài khóa khác, chẳng hạn tiếp tục giảm sâu thêm thuế, phí cho DN thuộc những ngành nghề chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19…
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam