Tổng Giám đốc IEA Yukiya Amano cho biết cơ quan thuộc Liên Hợp quốc (LHQ) này sẽ giám sát chặt chẽ tình hình hạt nhân Triều Tiên thông qua các ảnh chụp từ vệ tinh, trong khi chuẩn bị cho các công tác kiểm chứng tại Triều Tiên, nếu được yêu cầu. Trước đó, IAEA đã thành lập một nhóm chuyên viên đặc biệt về vấn đề Triều Tiên từ tháng 8/2017.
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon (bên trái) và Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Yukiya Amano tại Vienna (Áo) hôm 25/5. |
Về phần mình, Thủ tướng Lee Nak-yon nói rằng Triều Tiên nhận thức rõ về tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn theo Tuyên bố Panmunjom, đạt được trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4 vừa qua, đồng thời bày tỏ lạc quan về những triển vọng tích cực trong dài hạn.
Hiện Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon đang có chuyến thăm chính thức 3 ngày tới Áo, nơi đặt trụ sở của IAEA. Trước đó cùng ngày, ông cũng đã có cuộc gặp với Thư ký điều hành của Tổ chức Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) Lassina Zerbo ở Vienna.
Thủ tướng Lee đánh giá cao nỗ lực của CTBTO trong việc giám sát các vụ thử nghiệm hạt nhân trên toàn thế giới và góp phần duy trì hòa bình lâu dài trên thế giới.
Thư ký điều hành Zerbo cho biết ông rất ấn tượng với Tuyên bố Panmunjom đạt được tại hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 27/4.
Cả Tổng Giám đốc IEA Yukiya Amano và Thư ký CTBTO Lassina Zerbo đều bày tỏ sự ủng hộ đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi một "thỏa thuận chính trị" về vấn đề này.
Ông Zerbo cũng khẳng định cơ quan này có đủ chuyên gia, cũng như công nghệ cần thiết và sẵn sàng tới Triều Tiên để xác minh việc nước này đóng cửa cơ sở hạt nhân Punggye-ri.
Trước đó, ngày 24/5, Triều Tiên thông báo đã phá bỏ hoàn toàn bãi thử hạt nhân Punggye-ri mà nước này tuyên bố là duy nhất và gọi động thái này là tiến trình quan trọng hướng tới phi hạt nhân hóa toàn cầu. Chứng kiến lễ dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri có 28 nhà báo nước ngoài đến từ Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Hàn Quốc.