IAEA thanh tra khu vực nghi sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã bắt đầu chuyến thanh sát tới khu quân sự Parchin, một trong những địa điểm nghi ngờ sản xuất vũ khí hạt nhân tại Iran, theo những điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đạt được vào tháng 7 vừa qua.

Kết quả chuyến thăm của Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano, bắt đầu từ ngày 20/9, được các nhà ngoại giao phương Tây cho là yếu tố then chốt để hiện thực hóa thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Trước đó, các nhà giám sát quốc tế bị hạn chế tiếp cận tới các khu vực này.
IAEA thanh tra khu vực nghi sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran - Ảnh 1
Chính quyền châu Âu từ lâu đã nghi ngờ việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Iran diễn ra tại đây. Tuy nhiên, Iran đã phủ nhận cáo buộc này và khẳng định chương trình được thực hiện vì mục đích hòa bình.

Theo thỏa thuận hạt nhận mới đạt được vào hồi tháng 7, IAEA sẽ tiếp tục giám sát các địa điểm này và xác minh liệu có các vật liệu và hoạt động sản xuất vũ khí hạt nhân tại đây. Trước đó, khu quân sự Parchin là vấn đề nhạy cảm trong quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc.

Những quan ngại về vai trò khả nghi của Parchin trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đã xuất hiện từ năm 2004.  Trong một báo cáo năm 2006, IAEA cho biết các nhà điều tra “không quan sát thấy bất kỳ hoạt động bất thường nào tại các khu vực đã tiếp cận, kết quả phân tích các mẫu vật phẩm không cho thấy có sự xuất hiện của vật liệu hạt nhân”. Tuy nhiên vào năm 2011, IAEA cho biết có thêm nhiều công trình mới xây tại khu vực này.

Thỏa thuận hạt nhân đạt được vào tháng 7 yêu cầu Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân mang tính nhạy cảm để đổi lấy việc chấm dứt những lệnh trừng phạt quốc tế.

Theo đó, đại diện chính quyền Mỹ hoan nghênh và khẳng định thỏa thuận này sẽ ngăn nguy cơ Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân. Bất chấp sự phản đối của đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, đảng Dân chủ ngày 8/9 đã huy động đủ số nghị sĩ ủng hộ để ngăn nghị quyết phản đối thỏa thuận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần