70 năm giải phóng Thủ đô

IMF đề xuất khoản vay 127 triệu USD cho 3 nước vùng dịch Ebola

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố có thể sẽ cho Guinea, Liberia và Sierra ...

Kinhtedothi - Ngày 17/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố có thể sẽ cho Guinea, Liberia và Sierra Leone vay thêm 127 triệu USD nhằm hỗ trợ các nước này đối phó với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước tới nay của dịch bệnh Ebola.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cho biết chính phủ các nước vùng dịch Ebola đã đề nghị IMF giúp đỡ trước nhu cầu tài chính phát sinh do dịch Ebola.

 
Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Số tiền cụ thể mà Guinea, Liberia và Sierra Leone được vay lần lượt là 40 triệu, 48 triệu và 39 triệu USD.

Nếu được ban điều hành IMF thông qua, các khoản vay này sẽ góp phần giúp ba nước Tây Phi bù đắp được khoản thiếu hụt tài chính lên tới 300 triệu USD trong 6-9 tháng tới, thời điểm mà IMF dự báo dịch Ebola sẽ tác động sâu sắc nhất. Dịch Ebola đã gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế của Liberia và Sierra Leone nói chung và các lĩnh vực nông nghiệp, khai mỏ và dịch vụ nói riêng.

Cũng trong ngày 17/9, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG, gồm 5 tổ chức tài chính quốc tế) cảnh báo tăng trưởng kinh tế vốn đã yếu ớt của ba nước trên sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không thể kiểm soát dịch Ebola.

WBG ước tính ba nền kinh tế vùng dịch Ebola sẽ tổn thất tổng cộng 359 triệu USD trong năm nay, thậm chí con số này có thể lên tới 809 triệu USD trong tình huống xấu nhất. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Guinea sẽ giảm từ 4,5% xuống còn 2,4%, Sierra Leone giảm từ 11,3% xuống còn 8% và Liberia giảm mạnh nhất từ 5,9% xuống còn 2,5%.

Cùng ngày, các bộ trưởng y tế, giao thông và vấn đề nhập cư của 5 nước Đông Phi đã nhóm họp tại thủ đô Nairobi của Kenya, cam kết phối hợp nhằm tăng cường ngăn chặn virus Ebola lây lan sang khu vực này.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nội các Kenya phụ trách y tế James Macharia nhấn mạnh tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch Ebola đã đòi hỏi Đông Phi phải thông qua một nỗ lực phòng chống chung. Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Cộng đồng Đông Phi Jesca Eriyo cho biết các nước thành viên đã nhanh chóng lập kế hoạch khẩn cấp toàn khu vực nhằm tăng cường ứng phó với dịch bệnh chết người này.

Hiện chưa có quốc gia Đông Phi nào thông báo có trường hợp nhiễm virus Ebola, mặc dù đây là khu vực có nguy cơ cao do các hệ thống y tế yếu kém, tình trạng đói nghèo cũng như phản ứng rời rạc trước bệnh dịch.