Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố nghiên cứu về một số nền kinh tế, trong đó dự báo làn sóng nhân công di cư từ nông thôn tới thành phố, tầng lớp trung lưu gia tăng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú là ba yếu tố quan trọng có thể giúp đưa Indonesia trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất vào năm 2020 và lọt vào Top 6 thế giới vào năm 2030. Theo Standard Chartered, tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Indonesia kể từ khi xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 đã bị lu mờ bởi sự nổi lên của kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ. Ngân hàng Anh nói trên cho rằng với việc tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng nhanh, ổn định, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với dân số tới 240 triệu người và là một thành viên của Nhóm G20 - xứng đáng một “vị trí nổi bật trên màn hình radar” của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư quốc tế. GDP 708 tỷ USD hiện tại của Indonesia được dự báo sẽ tăng lên đến 9.000 tỷ USD vào năm 2030, trở thành nền kinh tế giới thứ 6 thế giới, lần lượt sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nhật Bản, vượt cả các nền kinh tế Đức, Mexico, Pháp và Anh. Cũng theo Standard Chartered, trong 20 năm tới, dân số của đảo Java - chiếm 7% tổng diện tích Indonesia - sẽ giảm xuống 55,8% năm 2020 và 53,9% năm 2030, từ mức 58% tổng dân số của cả nước năm 2010, do việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và phát triển kinh tế nhanh hơn tại các hòn đảo khác sẽ thu hút nhiều người di chuyển đến các thành phố bên ngoài Java. Quy mô tầng lớp trung lưu của Indonesia có thể tăng lên 171 triệu người vào năm 2020, tương đương 63% dân số, và tiếp tục tăng lên 244 triệu người (78% dân số) vào năm 2030. Indonesia - một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về than đá, thiếc, đồng, vàng và các sản phẩm nông nghiệp - sẽ được hưởng lợi khi giá các mặt hàng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.