iPhone xách tay dần mất "đất sống" tại Việt Nam

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtdothi – iPhone 13 chính thức mở bán tại Việt Nam đã cho thấy "sức hút" của smartphone số 1 thế giới khi hầu hết cửa hàng phân phối sản phẩm chính hãng đều “cháy hàng”. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy thị trường iPhone xách tay dần đi đến lụi tàn.

Trái ngược “chính hãng” và “xách tay”
 
Mới đây, các đại lý uỷ quyền Apple tại Việt Nam đồng loạt mở bán iPhone 13 sau một tuần cho đặt trước. Mặc dù nguồn hàng khan hiếm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song nhiều hệ thống bán lẻ xác lập kỷ lục doanh số trong ngày mở bán đầu tiên (22/10). Hơn chục nghìn máy iPhone 13 đã bán ra nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu người dùng.
 
Đại diện FPT Shop cho biết, trong hôm mở bán đầu tiên, doanh thu iPhone 13 đã đạt gần 200 tỷ đồng với gần 5.000 máy. Đây là những con số cao nhất so với tất cả các kỳ mở bán iPhone trước đó.
 
 Những năm gần đây, người dùng Việt có xu hướng chọn iPhone chính hãng hơn xách tay
Tương tự, Thế Giới Di Động với chuỗi 4 cửa hàng TopZone phân phối dòng sản phẩm chính hãng của Apple tại thị trường Việt Nam cũng bán được 5.000 chiếc iPhone 13, tăng trưởng 40% so với năm ngoái. 
 
Ngoài ra, các “ông lớn” bán lẻ khác, tiêu biểu như CellphoneS đã giao gần 3.000 chiếc iPhone 13 đến tay người dùng, đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng. Hay Minh Tuấn Mobile, hệ thống ShopDunk lần lượt giao 1.000 chiếc iPhone mới tới các khách hàng đã đặt trước sản phẩm.
 
Việc khan hiếm hàng được dự đoán còn kéo dài tới tháng 11. Hiện tại các đại lý bán lẻ cũng đã cho phép các khách hàng đặt trước máy cho đợt giao hàng thứ 2, diễn ra trong tháng 11.
 
Trái ngược với sự sôi động và khan hàng của iPhone 13 chính hãng, thị trường xách tay diễn biến ảm đạm. Anh Quốc Xuân, chủ cửa hàng bán iPhone xách tay với hơn 10 năm kinh nghiệm tại Hà Đông, Hà Nội cho biết, chưa khi nào thị trường có nhiều biến động như năm nay. 
 
Anh Quân cho biết, mặc dù Phone 13 phiên bản 128 GB trên thị trường xách tay được điều chỉnh giá từ 25 triệu xuống còn 21,9 triệu đồng, tương đương hàng chính hãng. iPhone 13 mini được chào bán giá 18,9 triệu, giảm 3 triệu đồng. iPhone 13 Pro giảm 4 triệu xuống còn 27,9 triệu đồng. Bản cao cấp nhất 13 Pro Max 1 TB giảm 6 triệu và hiện có giá 43,9 triệu đồng, rẻ hơn hàng chính hãng khoảng một triệu đồng nhưng vẫn rất ít người mua.
 
Ngày tàn của iPhone xách tay 
 
Theo giới quan sát thị trường smartphone lâu năm, có ba nguyên nhân khiến iPhone xách tay kém thu hút. Trước hết là do tác động của Covid-19 khiến khâu vận chuyển gặp khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường ở thời điểm iPhone mới ra mắt. 
 
Cùng với đó Apple mở bán iPhone 13 sớm tại Việt Nam cũng khiếm iPhone xách tay không còn được săn đón. Đồng thời, giá iPhone 13 chính hãng cạnh tranh rất nhiều so với hàng xách tay.
 
 Việc xuất hiện ngày càng nhiều các đại lý ủy quyền của Apple khiến iPhone xách tay mau chóng thu hẹp thị phần
Anh Lê Huy, đại diện một cửa hàng chuyên bán iPhone trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội nhận định: “Trước đây, Apple gần như không mấy quan tâm đến thị trường Việt Nam. Nhưng vài năm qua, hãng có nhiều chính sách hỗ trợ, chiết khấu cho nhà phân phối. Các chuỗi Apple Mono Store cũng liên tục được mở rộng. Người mua máy chính hãng được hưởng nhiều ưu đãi nên hàng xách tay không còn được ưu tiên".
 
Chưa kể, Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các sản phẩm xách tay cũng là yếu tố tác động thúc đẩy tiêu thụ hàng ủy quyền tốt hơn. Theo đó, cá nhân, tổ chức kinh doanh iPhone xách tay có thể bị phạt từ 500.000 đồng tới 100 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu, đồng thời tang vật đối với hành vi vi phạm cũng sẽ bị tịch thu.
 
Thực tế, Apple đã bắt tay với Thế Giới Di Động để ra mắt chuỗi cửa hàng TopZone có thương hiệu riêng, độc lập với nhà bán lẻ. ShopDunk cũng được làm theo mô hình này.
 
Apple cũng gia tăng thêm nhà bán lẻ được uỷ quyền như Minh Tuấn Mobile mới đây chính thức gia nhập nhóm cửa hàng AAR (Apple Authorised Resellers) chuyên bán hàng Apple chính hãng. Năm ngoái, chuỗi hơn 30 cửa hàng Di Động Việt trở thành đại lý bán lẻ được uỷ quyền của Apple.
 
Ngoài ra, Apple cũng có nhiều chính sách ưu tiên cho các hệ thống bán lẻ chính hãng tại thị trường Việt Nam như chính sách hỗ trợ cho phép đại lý nhập hàng giá tốt, tung nhiều chương trình giảm giá, chiết khấu, tặng quà...
 
Gần một thập kỷ trước, thị trường iPhone xách tay là mảnh đất màu mỡ cho các cửa hàng kinh doanh smartphone với những lợi thế như hàng về sớm, giá rẻ hơn hàng chính hãng, số lượng sản phẩm qua sử dụng, model đời cũ cũng phong phú thì nay tất cả những yếu tố này đều không đủ sức hút để cạnh tranh với hàng chính hãng. 
 
Khi quy mô thị trường đủ lớn và Apple bắt đầu có động thái “xóa sổ” các điểm bán iPhone xách tay thì các chuyên gia công nghệ dự đoán không sớm thì muộn, iPhone xách tay cũng sẽ đến ngày tàn lụi và nhường thị phần cho các sản phẩm chính ngạch. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần