Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

IPO - “Phép thử” của BIDV trước khi cổ phần hóa?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - BIC vốn là liên doanh bảo hiểm giữa BIDV và Công ty Bảo hiểm Quốc tế QBE (Úc). Tháng 1/2006, BIDV chính thức mua lại vốn góp của QBE trong liên doanh này, BIC trở thành công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc BIDV.

KTĐT - BIC vốn là liên doanh bảo hiểm giữa BIDV và Công ty Bảo hiểm Quốc tế QBE (Úc). Tháng 1/2006, BIDV chính thức mua lại vốn góp của QBE trong liên doanh này, BIC trở thành công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc BIDV.

Thành viên đầu tiên của BIDV tổ chức IPO. Có thể xem đây là một “phép thử” của ngân hàng này trước khi cổ phần hóa?

Ngày 28/7 tới, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) sẽ chốt danh sách đăng ký tham gia đợt đấu giá phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Ngày 5/8, kết quả cuộc đấu giá này dự kiến được công bố. Đây là thành viên đầu tiên của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiến hành IPO và cổ phần hóa.

BIC vốn là liên doanh bảo hiểm giữa BIDV và Công ty Bảo hiểm Quốc tế QBE (Úc). Tháng 1/2006, BIDV chính thức mua lại vốn góp của QBE trong liên doanh này, BIC trở thành công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc BIDV.

Dự kiến, sau BIC, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng sẽ tiến hành IPO. Có thể xem đây là những “phép thử” của ngân hàng này với thị trường, trước khi chính thức cổ phần hóa sau nhiều lần lỡ hẹn?

Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc BIC chia sẻ một số thông tin xoay quanh kế hoạch IPO này.

Thưa ông, có thể xem IPO của BIC là một “phép thử” của BIDV không?

Vì là đơn vị thành viên đầu tiên của hệ thống BIDV thực hiện cổ phần hóa nên đợt IPO này của chúng tôi nhận được sự quan tâm rất lớn của Ban lãnh đạo BIDV và toàn hệ thống. Việc cổ phần hóa và niêm yết thành công cổ phiếu BIC sẽ là khởi đầu tốt cho các đợt chào bán tiếp theo của các đơn vị khác trong hệ thống.

Sau cổ phần hóa, BIDV giảm tỷ lệ sở hữu tại BIC thì sự hỗ trợ cũng như lợi thế của BIC từ công ty mẹ như thế nào?

Dù giảm tỷ lệ sở hữu nhưng BIDV vẫn nắm giữ cổ phần chi phối. Giá cổ phiếu BIC lên xuống thì người bị ảnh hưởng nhiều nhất trước hết là BIDV. Về mặt logic, chúng tôi cho rằng việc ủng hộ, hỗ trợ từ BIDV đối với BIC sau cổ phần hóa là sẽ tốt hơn trước.

Ngoài BIDV, chúng tôi sẽ có các cổ đông bên ngoài, đặc biệt là cổ đông chiến lược. Chúng tôi mong muốn có được cổ đông chiến lược là nhà bảo hiểm quốc tế, hỗ trợ BIC về kỹ thuật, phát triển sản phẩm, quản trị rủi ro, quản trị điều hành, đầu tư hệ thống công nghệ… Như vậy, BIC sẽ được nhân đôi cơ hội sau cổ phần hóa chứ không phải khó khăn đi sau cổ phần hóa.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng việc cổ phần hóa, niêm yết cổ phiếu sẽ đòi hỏi khắt khe về quản trị, điều hành, công khai các hoạt động và minh bạch về tài chính. Đây sẽ là những áp lực rất lớn và chúng tôi cho rằng đó là những thách thức, yêu cầu để chúng tôi phát triển tốt hơn. Và đó cũng là cơ hội tốt.

Nhìn lại kết quả kinh doanh của BIC những năm gần đây, hoạt động đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng lớn và có ảnh hưởng lớn. Ví dụ như trong 6 tháng đầu năm, đầu tư tài chính chiếm tới gần 75% trong tổng 36,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ông nói gì về nguồn thu này và tình hình đầu tư tài chính hiện nay của BIC?

Các công ty bảo hiểm có nguồn vốn từ thu phí và dự phòng nghiệp vụ không phải trả chi phí vốn như các định chế tài chính khác nên luôn quan tâm tới hoạt động đầu tư tài chính để tối đa khả năng sinh lời, hỗ trợ lại cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Trong năm qua chúng tôi duy trì định hướng cơ cấu danh mục đầu tư là trái phiếu không quá 30%, cổ phiếu và góp vốn không quá 30% và đầu tư tiền gửi trên 40%. Việc này vừa đảm mục tiêu sinh lời tối đa danh mục nhưng phải đảm bảo an toàn, thanh khoản. Tuy nhiên, tùy từng thời kỳ và tình hình thị trường thực tế, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp.

Năm 2008, các định chế tài chính thiệt hại rất nhiều khi có khủng hoảng, trong đó có BIC. 50% số lỗ năm đó là do chúng tôi phải trích dự phòng lớn, tuy nhiên một phần của khoản dự phòng trích lập này đã được hoàn nhập trong năm 2009.

Với danh mục đầu tư của năm 2009, nhiều nhà đầu tư cho rằng BIC đã quá thận trọng khi duy trì tỷ trọng tiền gửi quá cao. Đây cũng là phản ứng tự nhiên sau khó khăn của năm 2008. Mặt khác, từ năm 2009 đến nay thị trường chứng khoán không sôi động nên BIC quyết định giảm tỷ trọng vốn trong việc đầu tư kênh này và tập trung cho trái phiếu và tiền gửi - những kênh an toàn hơn và có khả năng sinh lời hấp dẫn hơn trong thời gian qua. Việc tập trung cho hoạt động tiền gửi cũng là cách để hỗ trợ phát triển quan hệ đối tác kênh Bancassurance.

Cơ cấu danh mục đầu tư của BIC tại thời điểm gần nhất, ngày 16/7/2010: trừ các khoản ủy thác đầu tư tiền gửi, tỷ trọng tiền gửi của chúng tôi duy trì ở mức 47%, trái phiếu là 21% và 32% đầu tư vào cổ phiếu và góp vốn (trong đó phần góp vốn là 114 tỷ đồng, chiếm 14%; phần còn lại là cổ phiếu kinh doanh bao gồm cả niêm yết và OTC là 145 tỷ đồng, tương ứng 18%).

Theo thông tin công bố, tỷ suất sinh lời của BIC ở đầu tư góp vốn rất thấp, chỉ bình quân 3,1% trong năm 2009. Ông có thể giải thích vì sao?

Các khoản góp vốn của BIC chủ yếu là ở các công ty mới thành lập. Trong những năm đầu lợi nhuận chưa mang lại nhiều và chỉ số sinh lời thường là thấp. Từ năm 2010, các công ty góp vốn này bắt đầu cho lợi nhuận ổn định và chia cổ tức.

Khoản đầu tư lớn nhất của BIC hiện nay là khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Tài chính Vinaconex-Viettel (VVF), 50 tỷ đồng, chiếm gần 50% danh mục góp vốn. Công ty này mới đi vào hoạt động từ năm 2009 và kế hoạch chia cổ tức năm 2010 ít nhất là 12%. Đây cũng là một khoản thu nhập lớn của công ty trong năm nay.

Khoản đầu tư lớn thứ hai là vào Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt tại Lào (LVI). Công ty này cũng mới đi vào hoạt động và giống như các công ty bảo hiểm khác thì thông thường thời gian đầu tập trung cho việc xây dựng hệ thống mạng lưới và chưa có lợi nhuận. Nhưng bắt đầu từ năm 2010 thì LVI sẽ bắt đầu có lợi nhuận.

Khoản đầu tư lớn thứ ba là đầu tư vào Công ty Phát triển Đông Dương Xanh (GID). Công ty này đang triển khai các dự án khoáng sản tại Lào, cũng như đầu tư về viễn thông. Đây cũng là những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng hấp dẫn thời gian tới.

Về đầu tư, tôi cũng xin nói thêm ở kênh trái phiếu. Từ đầu năm 2010, chúng tôi dự đoán xu hướng lãi suất tiền gửi sẽ xuống và đã quyết định chuyển bớt các khoản đầu tư tiền gửi ngắn hạn sang các kỳ hạn dài hơn và tận dụng cơ hội đầu tư trái phiếu khá tốt thời gian qua. Việc này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho lợi nhuận công ty trong năm 2010 cũng như năm 2011.

Với đầu tư cổ phiếu, việc trích lập dự phòng của BIC có tăng thêm trong năm 2010 không, khi thị trường khó khăn từ đầu năm đến nay?

Hiện chúng tôi đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2010. Mức lợi nhuận 36,3 tỷ đồng đã có trích lập thêm gần 13 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán. Phần lớn trong số này là dự phòng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu Đạm Phú Mỹ. Năm 2009, BIC chưa trích lập vì đang là thời gian hạn chế chuyển nhượng. Phần còn lại là trích lập bổ sung cho các cổ phiếu niêm yết có giảm giá so với thời điểm 31/12/2009.

Thị trường chứng khoán khó khăn kéo dài và hiện vẫn chưa cho thấy triển vọng tốt hơn. Theo ông, trong bối cảnh đó, việc IPO của BIC có những rủi ro gì? Ông đánh giá thế nào về khả năng thành công?

Khi quyết định phát hành 11,5 triệu cổ phiếu chúng tôi cũng đã cân nhắc rất kỹ về bối cảnh thị trường để đảm bảo cho sự thành công của đợt IPO. Đó là đánh giá chủ quan của chúng tôi, còn thực tế mức độ đăng ký thế nào thì tùy thuộc vào thị trường và sự quan tâm của nhà đầu tư.

Với việc minh bạch, công khai toàn bộ hoạt động, chúng tôi tin tưởng sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, thực tế hoạt động và tiềm năng của BIC, với tư cách là một công ty thành viên của BIDV. Và mức giá khởi điểm hấp dẫn, 10.200 đồng/cổ phiếu, không có lý do gì để không thành công.