Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Iran cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” nếu EU không sớm cứu vãn JCPOA

Nguyễn Phương (Theo Mehrnews)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược về Quan hệ Đối ngoại của Iran Kamal Kharazi vừa tuyên bố các cường quốc EU chưa nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran và điều này sẽ dẫn đến "nhiều hậu quả nghiêm trọng”.

Phát biểu trong cuộc gặp với Quốc vụ khanh phụ trách khu vực Trung Đông của Anh Alistair Burt hôm 2/9 tại Tehran, ông Kamal Kharrazi nói rằng 3 cường quốc thuộc Liên minh châu Âu (EU) gồm Anh, Pháp và Đức cùng tham gia ký Thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi năm 2015 cho đến nay vẫn chưa thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm cứu vãn thỏa thuận này.
 Trong cuộc gặp giữa ông Kamal Kharrazi và Quốc vụ khanh phụ trách khu vực Trung Đông của Anh Alistair Burt hôm 2/9 tại Tehran. Ảnh: Reuters
Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ quyết định rời khỏi hồi đầu tháng 5 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran.
Phía Iran cho rằng, việc 3 nước EU chưa nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc sẽ dẫn đến “nhiều hậu quả nghiêm trọng”.
"Việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Iran và gây áp lực, với sự thiếu phản ứng ngay lập tức từ EU để thực hiện các cam kết liên quan đến JCPOA, sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng", ông Kharrazi cảnh báo.
Về phần mình, ông Burt cho biết Anh đang tìm cách xây dựng niềm tin với Iran và nỗ lực thúc đẩy hợp tác với quốc gia Hồi giáo này.
Theo ông Burt, vị trí của Anh đối với JCPOA hoàn toàn khác với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng London đang “tìm kiếm một cơ chế để châu Âu có thể đảm bảo tiếp tục duy trì thành công JCPOA”.
Iran hiện vẫn liên tục kêu gọi châu Âu có "những biện pháp thiết thực và khả thi" để bảo vệ những lợi ích của Tehran sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran. 
JCPOA được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015. Theo thỏa thuận, Tehran có nghĩa vụ hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Tuy nhiên, hồi tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, đồng thời tái áp đặt trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran.