Iran và P5+1 gần đạt thỏa thuận hạt nhân hơn bao giờ hết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Đức cho rằng thỏa thuận sắp đạt được với Iran sẽ giải quyết dứt điểm những bế tắc về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức, tức nhóm P5+1 và Iran “chưa bao giờ gần đến 1 thỏa thuận hạt nhân như lúc này”.

Đó là nhận định mà Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đưa ra ngày 25/9 sau cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang diễn ra tại New York, Mỹ.

Ngoại trưởng Đức Steinmeier cho rằng thỏa thuận sắp đạt được với Iran sẽ giải quyết dứt điểm những bế tắc về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran kéo dài hàng thập kỷ qua.

 
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh Twitter)
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh Twitter)
Tuy nhiên, ông thừa nhận giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán từ nay đến thời hạn chót 24/11 sẽ là giai đoạn khó khăn nhất.

Ngoại trưởng Đức nêu rõ: “Đây là lúc chấm dứt cuộc xung đột này. Tôi mong rằng Iran khi suy xét tình hình thế giới nói chung và Trung Đông nói riêng sẽ thấu hiểu rằng sự đổ vỡ của cuộc đàm phán này là không thể chấp nhận được”.

Trong bài phát biểu hôm qua trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng bày tỏ hy vọng sẽ sớm đạt được thỏa thuận cuối cùng với nhóm P5+1 vào tháng 11 tới.

Ông Rouhani nói: “Quan điểm của chúng tôi là vấn đề hạt nhân chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán và những ai nghĩ rằng có cách giải quyết khác thì người đó đã sai lầm nghiêm trọng.

Bất cứ sự trì hoãn nào trong việc đạt được thỏa thuận cuối cùng chỉ làm tăng những chi phí không chỉ cho phía chúng tôi mà đối với kinh tế và thương mại của các bên có liên quan cũng như sự phát triển và an ninh của khu vực”.

Song song với cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần này là các cuộc tiếp xúc và đàm phán hạt nhân giữa Iran với Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức kéo dài từ ngày 18/9 và dự kiến đến hết ngày 27/9.

Ngày 24/9, Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã có cuộc gặp lần đầu tiên với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, qua đó nhất trí cải thiện quan hệ song phương và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được thỏa thuận hạt nhân lâu dài giữa Tehran và nhóm P5+1.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Mỹ, Tổng thống Rouhani cho biết, ông sẽ không gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm New York lần này bởi “điều kiện hiện nay không đặt ra một cuộc gặp như vậy”.

Tuy nhiên, ông Rouhani bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ giữa Iran và Mỹ sẽ dần được cải thiện. Ông Rouhani cũng cho biết, Iran và Mỹ đang đàm phán trực tiếp về vấn đề hạt nhân ở cấp bộ trưởng và 1 ngày nào đó có thể cần đến cấp cao hơn.

Tổng thống Iran nhấn mạnh, 2 nước “cần phải nhận thấy thời điểm và điều kiện phù hợp để đạt được những mục tiêu nhất định” đem lại lợi ích cho cả 2 bên.

Lãnh đạo các nước đều phát đi những thông điệp tích cực nhưng giới quan sát cho rằng, chiến dịch ngoại giao dày đặc tại New York chưa chắc mang lại đột phá cho đàm phán hạt nhân Iran.

Một số thành viên Quốc hội Iran vừa lên tiếng bác bỏ đề xuất mà Mỹ đưa ra tại vòng đàm phán ở New York lần này rằng, thay vì giảm số lượng máy li tâm từ 19.000 xuống hơn 1.500, Tehran phải ngừng kết nối các máy này.

Giới chức Iran chỉ ra rằng, nếu mất các ống nối thì những máy li tâm còn lại cũng trở nên vô dụng. Người phát ngôn Ủy ban chính sách an ninh đối ngoại của Quốc hội Iran Naghavi Hosseini không mấy lạc quan về tiến trình đàm phán hiện nay.

Ông Hosseini nêu rõ: “Mục đích của đề xuất này là buộc Iran phải từ bỏ làm giàu urani nhưng điều này vi phạm thỏa thuận Geneva vốn công nhận quyền này của Iran. Đề xuất của Mỹ thực chất không tước quyền làm giàu urani của chúng tôi nhưng khiến chúng tôi không thể thực hiện quyền này, do đó chúng tôi không thể chấp nhận được”.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, phần được đề cập nhiều hơn trong bài phát biểu của ông Rouhani không phải là vấn đề hạt nhân mà có lẽ cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông.

Có thể thấy, trái với hình ảnh tân Tổng thống ôn hòa trong lần đầu phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi năm ngoái với cam kết giải đáp mọi quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran, lần này ông Rouhani cho thấy Tehran có nhiều điểm tựa để “mặc cả” hơn.

Giới quan sát cho rằng, có thể Iran đang đợi phương Tây thể hiện sự cởi mở hơn trong đàm phán hạt nhân để đổi lấy sự ủng hộ của Tehran trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Trung Đông, điều mà Mỹ và các nước đồng minh bác bỏ nhưng thực chất lại rất cần.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần