Hãng tin ANSA ngày 21/12 cho biết, kinh tế Italy đã tăng trưởng âm lần đầu tiên tính theo quý trong quý III/2011 kể từ quý IV/2009. Điều này đang làm dấy lên những mối lo ngại về tình trạng suy thoái trong nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro này. Theo các số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III/2011 đã giảm 0,2% so với quý II, thời điểm GDP đạt mức tăng trưởng 0,3%. Tuy nhiên, trong báo cáo cuối cùng cho năm 2011, ISTAT cho hay nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, và dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2011 sẽ đạt khoảng 0,5%. Các số liệu cụ thể cho thấy chi tiêu tiêu dùng đã sụt giảm 0,2% so với quý II, đầu tư giảm 0,6%, trong khi xuất khẩu tăng 1,6%. Trước đó, Chính phủ Italy dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng âm 0,4% trong năm 2012. Tuy nhiên, dự báo của chính phủ vẫn còn khá khả quan nếu so với dự báo giảm 1,6% của Nghiệp đoàn giới chủ công nghiệp Italy (Confindustria). Mới đây, Chính phủ của Thủ tướng Mario Monti đã đưa ra một gói biện pháp thắt lưng buộc bụng trị giá 33 tỷ euro nhằm “cứu nguy cho Italy.” Các biện pháp này sẽ tập trung vào việc tăng thuế đánh vào tài sản của lớp người giàu, nâng độ tuổi về hưu và nỗ lực chống trốn thuế. Thủ tướng Monti cũng đã tuyên bố sẽ không nhận lương như một phần trong nỗ lực nhằm cứu nguy cho Italy. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Italy đang là một vấn đề bởi vì tỷ lệ nợ công trên GDP của nước này đang đứng ở mức khoảng 120%, cao thứ hai ở khu vực đồng euro, sau Hy Lạp. Các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Italy sẽ vẫn phải vật lộn với khó khăn trong một thời gian nữa. Megan Greene, người đứng đầu bộ phận phân tích kinh tế châu Âu của nhóm nghiên cứu Roubini Global Economics, dự báo GDP của Italy sẽ tiếp tục sụt giảm và trở nên trầm trọng hơn trong 2 năm tới. Tháng 9/2011, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đánh giá rằng tăng trưởng kinh tế của Italy thực sự đã bị chững lại.