Những tàu hàng của Hanjin Shipping vẫn còn mắc kẹt ngoài biển |
Theo đó, KDB - chủ nợ lớn của Hanjin Shipping đang cân nhắc cung cấp khoản tín dụng trị giá 50 tỷ Won (khoảng 45 triệu USD), để hỗ trợ những tàu hàng còn bị “mắc kẹt” tại các cảng. Ước tính, những kiện hàng của Hanjin Shipping hiện bị kẹt tại các cảng trên toàn thế giới có trị giá 14 tỷ USD và nhiều nguy cơ gây ra sự thiệt hại “lớn” cho mùa mua sắm tới đây.
Hạn mức tín dụng của KDB chỉ được sử dụng khi tất cả các quỹ tiền mặt của Hanjin Shipping, bao gồm cả khoản vay từ gói hỗ trợ trị giá 100 tỷ Won mà tập đoàn mẹ Hanjin Group, sở hữu cả Hanjin Shipping và Korean Air cam kết trước đó. Ngoài ra, ban lãnh đạo hãng hàng không Korean Air đã nhất trí cung cấp khoản tín dụng khẩn cấp trị giá 60 tỷ Won (54 triệu USD) nhằm trợ giúp “ông lớn” ngành hàng hải Hàn Quốc.
Được biết, cổ phiếu “ông lớn” ngành hàng hải Hàn Quốc đã tăng 28% nhờ tác động từ khoản tiền trợ giúp mà Korean Air cấp cho hãng tàu này. Tuy nhiên, việc cấp khoản vốn lớn trên không phải nhằm giúp Hanjin Shipping thoát khỏi nguy cơ phá sản mà chỉ để giúp hãng tàu giải phóng lượng hàng hóa không nhỏ đang bị mắc kẹt trên các con tàu, trong đó bao gồm hàng hóa của nhiều hãng lớn như Samsung, LG, Warmart…
Một số chuyên gia nhận định sự sụp đổ của Hanjin Shipping, đã khiến ngành vận tải biển thế giới rơi vào hỗn loạn, gây ảnh hưởng nặng nề tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau khi Hanjin Shipping tuyên bố phá sản, giá vận tải một container cao 12m từ Trung Quốc đến Mỹ tăng vọt 50%.