Trải nghiệm cùng truyền thuyếtNằm cách di tích thành Cổ Loa 5km, sân chơi Nỏ thần nằm giữa khu dân cư sầm uất và các tuyến đường giao thông thuận lợi cho người dân, đặc biệt là trẻ em tiếp cận. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Đông Anh về “5 có - 3 không”. Trong đó, “5 có” gồm: Đảm bảo mỗi thôn, tổ dân phố có đầy đủ thiết chế văn hóa, có công viên mini và các điểm sinh hoạt cộng đồng, có sân bóng đá thanh thiếu niên, có bãi đỗ xe và có điểm thu gom phế thải xây dựng; “3 không” bao gồm: Gia đình, đơn vị, cá nhân không vi phạm pháp luật, không ô nhiễm môi trường và không có hộ nghèo.Tiếp cận với sân chơi, điều đầu tiên gây ấn tượng với công chúng là không gian xanh như: Cây cối, hệ thống thùng rác phân loại 3 ngăn, ghế nghỉ ngơi cho mọi người. Theo tìm hiểu của phóng viên, từ khi sân chơi được lên ý tưởng, lắp đặt và hoàn thiện, người dân đều tham gia vào các công đoạn tạo dựng. Đặc biệt, nhân tố chính của sân chơi - các em nhỏ được tự tay tham gia vào các công đoạn phù hợp với khả năng của mình như: Thiết kế, tô vẽ các trang thiết bị. Họa sĩ Ưu Đàm - người tham gia lên ý tưởng, xây dựng sân chơi Nỏ thần cho biết: "Ý tưởng này được thực hiện với mong muốn trẻ em khi vui chơi tại đây sẽ như được sống giữa truyền thuyết cùng những bài học lịch sử từ câu chuyện nỏ thần. Sân chơi Nỏ thần có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử với phương châm “Học mà chơi - Chơi mà học". Đồng thời, khi lên ý tưởng làm sân chơi, chúng tôi đã làm việc với cộng đồng và các em nhỏ Đông Anh để biết rõ mong muốn cần thêm chỗ nào, bớt ở đâu để nắm được sở thích, tâm tư của họ. Nhờ đó, sân chơi này đặc biệt, khác biệt với các sân chơi khác”.Giáo dục lịch sửSân chơi Nỏ thần được thiết kế dựa trên ý tưởng chiếc nỏ thần khổng lồ và được chia thành 4 phần dài quanh sân chơi, ẩn hiện giống như từng đoạn thành Cổ Loa trong hiện tại. Họa sĩ Ưu Đàm chia sẻ: “Khi đến và thăm thành Cổ Loa, tôi mới thấy vùng đất này có nhiều câu chuyện, di tích lịch sử. Lúc đó, tôi nghĩ đến nơi phát minh ra một vũ khí thiên tài của người Việt, cùng với các vòng thành Cổ Loa lúc ẩn, lúc hiện. Chúng tôi muốn đưa những tính chất đó vào sân chơi này”. Sân chơi Nỏ thần nằm trong khuôn khổ dự án “Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam” do Hội đồng Anh và Liên minh châu Âu đồng tài trợ và được thực hiện bởi Hội đồng Anh cùng Viện Nghiên cứu văn hóa Quốc gia Việt Nam. Bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh khẳng định, sân chơi này đã đáp ứng được mục tiêu của dự án, tạo nên một không gian có ích để trẻ em có thể vừa chơi, vừa học về lịch sử đất nước. Hoạt động này đã góp phần vào việc thực hiện mục đích của dự án là thúc đẩy biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo khắp Việt Nam cũng như mang các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo đến gần hơn với công chúng.Bên cạnh các yếu tố về lịch sử, phía đơn vị thực hiện - Think Playgrounds đã đề xuất dùng các vật liệu tái chế từ lốp xe và gỗ an toàn cho trẻ em. Sân chơi Nỏ thần chia thành 4 phần, kết hợp với hình vẽ trên đất để gợi lại câu chuyện về thành Cổ Loa, Mỵ Châu - Trọng Thủy và nỏ thần. Bà Bùi Thị Doan (xã Cổ Loa, Đông Anh) chia sẻ: “Sân chơi Nỏ thần là công trình mang tính giáo dục, bài học lịch sử về truyền thuyết nỏ thần. Đây là hoạt động trải nghiệm hiệu quả nhằm tôn vinh giá trị lịch sử về dựng nước và giữ nước của cha ông ta”. Người dân nơi đây mong muốn tiếp tục có nhiều không gian cộng đồng mang nhiều giá trị giáo dục lịch sử như thế này được tạo dựng trên địa bàn Thủ đô.