Nuôi dưỡng tinh thần yêu nước
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động văn hóa. Theo đó, triển lãm trực tuyến "Hỡi đồng bào Thủ đô" giới thiệu nhiều tài liệu quý về cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của quân dân Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1954, trong đó nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố.
Không chỉ lần đầu giới thiệu những tư liệu lịch sử quý giá về Ngày Giải phóng Thủ đô tới công chúng, triển lãm trực tuyến còn giúp người xem sống lại không khí hào hùng của ngày lịch sử 70 năm về trước thông qua những hiệu ứng kỹ xảo chân thực. Không bị giới hạn về không gian, thời gian, người xem có thể tìm hiểu kỹ hơn về từng giai đoạn lịch sử gắn với gần 200 tư liệu qua các thiết bị số.
Theo các chuyên gia, việc làm sống lại những tư liệu lịch sử bằng công nghệ số là cách để công chúng thêm yêu lịch sử Thủ đô Hà Nội - mảnh đất nghìn năm văn hiến, anh hùng và hòa bình trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào của thế hệ trẻ ngày nay.
“Ứng dụng công nghệ mới rất phù hợp với xu thế hiện nay. Điều đó vừa lưu giữ được lâu dài, vừa có thể ứng dụng được thường xuyên, gìn giữ cho nhiều thế hệ” - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc nhận định.
Bên cạnh đó, từ ngày 2 – 13/10, tại phố Phùng Hưng sẽ diễn ra trưng bày “Ký ức Hà Nội - 70 năm” tái hiện không gian Hà Nội xưa trong khu phố cổ Hà Nội giai đoạn toàn quốc kháng chiến của quân và dân Hà Nội tới ngày tiếp quản Thủ đô (1947 – 1954).
Tại Ngôi nhà di sản, số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm diễn ra trưng bày chuyên đề và tour du lịch thực cảnh “Chuyện phố Hàng” từ ngày 4/10 - 31/12. Trong đó, chuyên đề “Chuyện phố Hàng” do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đạo diễn bối cảnh, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức sắp đặt, tái hiện không gian, nếp sống văn hóa của gia đình người Hà Nội xưa làm nghề đông y vào những năm 30 thế kỷ trước.
Ngoài ra, tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ còn diễn ra triển lãm ảnh “Hà Nội - Ngày tiếp quản năm 1954” và chiếu phim tư liệu “Ký ức Hà Nội” (từ ngày 9 - 20/10).
Tại biệt thự di sản 49 Trần Hưng Đạo, phường Hàng Bài diễn ra triển lãm ảnh “Hà Nội - Một thời để nhớ” (từ ngày 10 - 31/10), giới thiệu 86 bức ảnh đen trắng lần đầu tiên được công bố của hai tác giả Lê Bích và Andy Soloman (phóng viên người Anh), giúp người xem cảm nhận rõ sự biến đổi của Hà Nội trong thời kỳ đổi mới.
Tình yêu Hà Nội
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, với mong muốn gửi tới khán giả những câu chuyện, hình ảnh ý nghĩa về đất và người Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam đã có sự chuẩn bị, đầu tư công phu cho nhiều sự kiện, chương trình trọng điểm, phim truyền hình, phim tài liệu trên đa nền tảng của VTV.
Theo Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Đỗ Thanh Hải, điểm nổi bật trong loạt chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là sự phong phú, đa dạng về thể loại. Bên cạnh các bản tin, chuyên mục tuyên truyền đậm nét sự kiện, Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp cùng Sở TT&TT Hà Nội chuẩn bị cho "Tuần phim tài liệu Hà Nội trên VTVgo".
Nhóm sản xuất đã dành nhiều thời gian rà soát, lựa chọn 20 bộ phim tài liệu đặc sắc do Đài Truyền hình Việt Nam, Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư, Hãng phim Sao Khuê - Hội Điện ảnh Hà Nội, nhà làm phim độc lập Jean Noel Poirier (cựu Đại sứ Pháp) sản xuất, để công chiếu trên nền tảng số quốc gia VTVgo. Đài Truyền hình Việt Nam còn sản xuất mới 3 bộ phim tài liệu: "Nhà của chúng tôi", "Nơi hòa bình bắt đầu" và "Bác sĩ Trần Duy Hưng - Một phẩm cách Hà Nội".
Cùng với tuần phim, nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật cũng được VTV thực hiện dịp này nhằm kể câu chuyện về Hà Nội trong bề dày lịch sử với cách thể hiện sáng tạo, mang tới những góc nhìn riêng.
Đó là chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - Bản hùng ca phố” đưa khán giả quay trở về những dấu mốc lịch sử hào hùng, để thấm thía phía sau ánh hào quang cờ hoa ngày tiếp quản là 80 ngày chuẩn bị công phu của người dân TP, là 9 năm kháng chiến trường kỳ với bao máu xương và là khát vọng vĩ đại của dân tộc: toàn dân đứng lên cho một ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Bài ca Hà Nội” khắc họa khí chất người Hà Nội kiên cường, hào hoa; thể hiện vẻ đẹp của những di sản Thủ đô, miền đất linh thiêng, nơi kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, kết nối các thế hệ thông qua các sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật; Chương trình đặc biệt "Talk Vietnam - Bốn phương trời nhớ về Hà Nội” với sự tham gia của nhiều người bạn nước ngoài có tình cảm đặc biệt với Hà Nội.
Các vị khách chia sẻ những câu chuyện về tình yêu sâu sắc cũng như những đóng góp của họ trong nhiều năm qua để làm cho Hà Nội đẹp hơn, sạch hơn, xứng đáng là nơi hội tụ tinh hoa của văn hóa và truyền thống Việt Nam.
Bên cạnh đó, thông qua góc nhìn của các nhà làm phim điện ảnh - truyền hình, khán giả cũng sẽ được dõi theo 2 tác phẩm trên sóng VTV, với phim “Đào, phở và piano” khắc họa khoảng thời gian chiến tranh ác liệt tại phố phường Thủ đô trong cuộc chiến cuối năm 1946, đầu năm 1947 và “Hoa sữa về trong gió” - bộ phim truyền hình đậm chất Hà thành từ bối cảnh, câu chuyện, đạo cụ cho tới tạo hình nhân vật, tình huống.