Kẻ lừa đảo vẫn ngoài vòng pháp luật

Bài, ảnh: Thái Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan CSĐT xác định, ngày 14/3/2008, ông Hải đã nhận gần 1,7 tỷ đồng của bà để mua hộ nhiều lô đất.

Ngày 22/9, báo Kinh tế & Đô thị đã có bài: “Tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì: “Cò đất”… ăn cả đất lẫn tiền của dân?”, nêu phản ánh của bà Bùi Thúy Nga (SN 1956, ở thôn Cẩm Tân, xã Cẩm Lĩnh) về việc bị 4 đối tượng lừa đảo trong việc mua bán đất rồi chiếm đoạt tài sản với giá trị hàng tỷ đồng. Liên quan đến vụ việc này, bà Nga cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra và bước đầu có xác minh vụ việc.
Thừa nhận cầm tiền, bán đất
Theo bà Nga, sau khi xác minh đơn trình báo, Cơ quan CSĐT xác định, ngày 14/3/2008, ông Hải đã nhận gần 1,7 tỷ đồng của bà để mua hộ nhiều lô đất. Trong đó có một lô đất ở khu đồi Đá Bạc (xã Yên Bài) với diện tích 4.351m2 của anh Nguyễn Văn Nghiêm (thôn Mái, xã Yên Bài) và mua 1.610m2 (đất chưa có sổ đỏ) của ông Nguyễn Văn Thọ (thôn Bài, xã Yên Bài). Tại cơ quan điều tra (CQĐT), ông Hải khai, nhận số tiền gần 1,7 tỷ đồng của bà Nga để mua hộ diện tích đất nêu trên. Bản thân ông Hải cũng thừa nhận, năm 2010 đã tự ý bán 2 mảnh đất trên lấy số tiền 1,8 tỷ đồng. Lý do ông Hải bán đất là căn cứ vào Giấy ủy quyền của ông Trần Văn Chính ủy quyền cho ông Hải bán. Tuy nhiên, CQĐT xác định, ông Chính không có giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc 2 mảnh đất trên là của mình.
 Khu đất tại thôn Bài (xã Yên Bài) - nơi bà Nga nhờ ông Hải mua rồi bị đối tượng này bán sang tay cho người khác.
Tương tự, CQĐT cũng xác định, ông Đạt đã nhận của bà Nga số tiền hơn 9,2 tỷ đồng để mua hộ nhiều mảnh đất ở huyện Ba Vì. Trong đó, chỉ tính riêng một thửa đất ở đồi Ba Gạc (thôn Bơn, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) đã có diện tích lên tới 30.000m2. Đến ngày 6/5/2014, ông Đạt nhận rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng của Ban GPMB huyện Ba Vì bồi thường về việc thu hồi một phần các mảnh đất ở đồi Ba Gạc. Ông Đạt trình bày, mảnh đất của 6 hộ dân trên là tiền của ông bỏ ra mua chứ không phải của bà Nga. Tuy nhiên, ông Đạt không đưa ra được những giấy tờ tài liệu gốc về việc mua, bán thửa đất trên, mà chỉ cung cấp được những giấy tờ photocopy và tẩy xóa.
Liên quan đến số tiền ông Chính vay bà Nga, tại CQĐT, ông Chính khai, ngày 7/5/2010, bà Nga có chuyển số tiền 3,6 tỷ đồng nhưng đó không phải tiền vay mà là tiền bán hộ mảnh đất tại xóm Bài (xã Yên Bài) của ông Chính. Tuy nhiên, qua xác minh, CQĐT xác định, mảnh đất có nhà sàn giáp đồi Lô Cốt (xóm Bài) là của anh Đào Hồng Quân (trú tại thôn Muỗi, xã Yên Bài). Năm 2008, một người tên Huân môi giới mua hộ cho ông Bùi Đào Khải (em ruột bà Nga) chứ không phải đất của ông Chính. Do đó, CQĐT xác định, việc ông
Theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, thời hạn kể từ khi nhận được thông tin tố giác tội phạm đến khi ra quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự tối đa là 2 tháng. CQĐT có thể tự mình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có dấu hiệu của tội phạm. Trong thời hạn 24 giờ (kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự), CQĐT chỉ phải gửi quyết định khởi tố cùng với tài liệu liên quan tới việc khởi tố đến Viện Kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố. Như vậy, quyết định khởi tố vụ án hình sự không cần đến sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát cùng cấp (Điều 104 Bộ luật Tố tụng Hình sự )…
 Luật sư Hoàng Thị Khánh Linh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Chính trình bày bà Nga bán hộ đất là có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Đối với nội dung tố giác luật sư Phạm Văn Phai ký xác nhận vào Giấy ủy quyền số 26 ngày 25/9/2008 với mục đích xác nhận chữ ký cho những người có tên trong giấy ủy quyền, nhận định của CQĐT cho rằng, bản thân luật sư Phai và Văn phòng Luật sư Bắc Hà không có chức năng, thẩm quyền ký loại văn bản này. Chính từ việc làm sai trái của Văn phòng Luật sư Bắc Hà dẫn đến các đối tượng lợi dụng chiếm đọat tài sản của bà Nga.
Cũng theo bà Nga, từ những xác minh trên, Cơ quan CSĐT đã đưa ra quan điểm, hành vi nêu trên của các ông Hải, Đạt và Chính đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với luật sư Phai, không có chức năng, thẩm quyền ký xác nhận nhưng vẫn ký để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Hành vi của các đối tượng cần phải được khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý trước pháp luật.
Vụ việc đang bị “ngâm tôm”?
Với những gì CQĐT đã xác định ở trên, bà Nga cho rằng, việc nhờ mua đất rồi bán lại để chiếm đoạt tiền và việc vay tiền của các ông Hải, ông Đạt và ông Chính với bà đã rõ ràng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến thời điểm này (sau gần 2 năm điều tra), CQĐT vẫn chưa khởi tố các đối tượng có hành vi chiếm đoạt tiền và đất của bà. Điều này khiến không ít người đang đặt câu hỏi: Phải chăng đằng sau vụ việc này còn có điều gì khuất tất nên vụ việc mới bị “ngâm tôm” lâu đến thế? Bởi, qua tìm hiểu của bà Nga, sau quá trình xác minh, giữa CQĐT và Viện KSND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản trao đổi về phương án giải quyết vụ việc. Thế nhưng, các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà vẫn chưa bị xử lý.
Ngoài ra, trước Tết Bính Thân 2016, do quá bức xúc vì sự “đá bóng” giữa CQĐT và Viện KSND TP Hà Nội, bà Nga cũng đã nhiều lần có đơn gửi các cơ quan pháp luật cấp trên phản ánh vụ việc. Theo đó, Thanh tra Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, Thanh tra Bộ Công an… đã có phiếu chuyển đơn đến Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội để xem xét, giải quyết trình báo của bà Nga theo quy định của pháp luật.
Dù văn bản của cấp trên là vậy nhưng không biết đến khi nào vụ việc của bà Nga mới được đưa ra ánh sáng và công lý mới được thực thi? Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.