Theo khảo sát, hiện nay, tại phần mái cơ cuối tuyến kè Thanh Điềm (tương ứng từ K34+100 đến K34+200), nhiều vị trí đã bị nứt vỡ, sạt trượt. Vị trí bị sạt trượt nghiêm trọng nhất là tại cửa cống thoát nước; cung sạt đã ăn sâu vào phần chân khay của cơ kè. Cao trình đỉnh các cung trượt tương ứng +7m, chiều rộng cung sạt lớn nhất 20m, rộng 2m. Các vết nứt trên mái cơ kè có xu hướng phát triển mở rộng, có thể gây sạt trượt bất cứ thời điểm nào, đặc biệt nguy hiểm khi có mưa lớn, nước sông lên cao và rút nhanh.Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết, kè Thanh Điềm được xây dựng từ những năm 1997 - 1999. Năm 2010, do có nhiều vị trí bị hư hỏng nghiêm trọng, UBND TP đã đầu tư tu sửa lát mái, thả đá hộ chân và tạo cơ bằng đá hộc cơ bản theo chiều dài tuyến kè. Tuy nhiên, đoạn cuối kè chỉ được gia cố bằng lát mái, đá hộc lát khan phẳng mặt phần cơ kè, không được thả đá hộ chân. Đây được xem là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt trượt. Cũng theo nhận định của bà Hà, khu vực sạt trượt nếu không được xử lý cấp bách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn công trình kè Thanh Điềm và khu dân cư lân cận.Trước diễn biến trên, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo UBND xã Tiến Thịnh, Phòng Kinh tế và Hạt quản lý đê tăng cường kiểm tra, theo dõi sát diễn biến sạt trượt; kết hợp tuyên truyền, cảnh báo người dân biết, chủ động phòng tránh… Dù vậy, để đảm bảo an toàn cho công trình đê điều phục vụ công tác phòng, chống lũ năm 2018 và các năm tiếp theo, UBND huyện Mê Linh đề xuất UBND TP cho phép đầu tư xử lý cấp bách khu vực sạt trượt kè Thanh Điềm, xã Tiến Thịnh.Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Nguyễn Xuân Hải cho biết, đơn vị đã phối hợp với đại diện các cơ quan liên quan kiểm tra thực địa. Kết quả cho thấy những nguy cơ mất an toàn từ hiện trạng sạt trượt kè Thanh Điềm là rất rõ nét. Đoàn liên ngành sẽ sớm thống nhất báo cáo, trình UBND TP xem xét, chỉ đạo phương án xử lý triệt để sự cố.