Hơn 1.500 đại biểu, trong đó có 954 đại biểu chính thức, đại diện chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, chư vị giáo phẩm tiêu biểu, các ngành chức năng phật giáo; Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố; đại diện các cộng đồng, tổ chức Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam ở nước ngoài; cùng hơn 1.000 tăng, ni, phật tử Thủ đô và các địa phương đã tham dự.
Quang cảnh Đại hội phật giáo Việt Nam lần thứ VII ngày 23-11-2012.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư TƯ Đảng, trưởng ban Dân vận TƯ Hà Thị Khiết; Chủ tịch MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cùng đại diện các bộ, ban, ngành TƯ và TP Hà Nội; đại diện các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán, đoàn ngoại giao đã tới dự.
Tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012), Hòa thượng Thích Thiện Nhơn khẳng định, 5 năm qua GHPG Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng như tổ chức thành công: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Đại lễ kỷ niệm 700 năm ngày nhập diệt của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông; Đại hội Ni giới quốc tế Sakyaditta năm 2010, nâng cao vị thế đất nước. Giáo hội tích cực tổ chức hoạt động tri ân, hoạt động từ thiện trị giá hàng nghìn tỷ đồng, thực hiện đúng phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội tặng lẵng hoa chúc mùng Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ VII.
Với chủ đề “Kế thừa – Ổn định – Phát triển”, GHPG Việt Nam định hướng nhiệm kỳ tới: Xây dựng, phát triển giáo hội theo nguyên tắc đoàn kết, hòa hợp vì Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội…. để xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc, phù hợp với đạo đức, văn hóa, truyền thống dân tộc; Phật giáo Việt Nam thắt chặt đoàn kết với phật giáo các nước trên thế giới, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định nếp sống hiền thiện ở mọi nơi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đảng, Nhà nước đã chúc mừng đại hội GHPG Việt Nam lần thứ VII thành công viên mãn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân theo đạo phật không chỉ ở Việt Nam mà còn thu hút sự quan tâm của đông đảo kiều bào ta theo phật giáo ở nước ngoài….Đại hội là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của phật giáo Việt Nam nói chung, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo có truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc…”
Phó Thủ tướng đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TƯ đến địa phương tăng cường, tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung và phật giáo nói riêng hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh, thực hiện phương châm tốt đạo, đẹp đời để cùng nhau xây dựng đất nước phát triển, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngày mai (24/11), Đại hội GHPG Việt Nam tiếp tục làm việc và bế mạc vào buổi chiều.
Nhiệm kỳ VI (2007 - 2012), GHPG Việt Nam đã thành lập 58/63 tỉnh, thành hội phật giáo, trong đó phát triển mới 8 tỉnh hội phật giáo; ngoài ra, còn thành lập các hội phật tử Việt Nam tại các nước cộng hòa Séc, Ba Lan, Đức, Hungary, Ucraina, Nga....Hiện, ở các nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, và Úc đều đã xây dựng được những ngôi chùa Việt Nam. Giáo hội đã có hệ thống giáo dục đào tạo tăng ni ở các cấp đào tạo: sơ cấp Phật học, Trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học, hệ Đại học và đào tạo sau đại học Phật học. |