Kênh đầu tư nào sẽ sinh lời nhiều nhất năm 2017?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các tổ chức tài chính quốc tế, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2017 đều khá tích cực. Vậy, kênh đầu tư nào sẽ hút dòng tiền và sinh lời nhiều nhất?

Năm 2017, dự báo tốc độ tăng trưởng tương đương 2016, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối đầu với khó khăn về cân bằng ngân sách, vốn đầu tư cũng như tiêu dùng nội địa… Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định sẽ xuất hiện các chuyển biến tích cực về cấu trúc nền kinh tế theo hướng cải thiện môi trường mạnh hơn, chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh. Theo các tổ chức tài chính quốc tế, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2017 đều khá tích cực, ngoại trừ IMF, với đánh giá cao về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, kênh đầu tư nào sẽ thu hút dòng tiền và sinh lời nhiều nhất?

Các xu hướng đầu tư có sự phân hóa nhất định

Theo báo Diễn đàn Đầu tư, các xu hướng đầu tư vào các kênh chứng khoán, bất động sản, vàng… sẽ có sự phân hóa nhất định. Trong đó, chứng khoán có lợi thế hơn nhờ có nhiều điều kiện để thu hút được dòng vốn mới.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2017 sẽ có nhiều “bệ đỡ,” nhưng khó thăng hoa. Bởi các chính sách về TTCK như tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài, triển khai chứng khoán phái sinh sẽ thu hút nhà đầu tư. Nền tảng là triển vọng kinh tế ổn định và phát triển từ các chính sách tái cấu trúc và phát triển nền kinh tế của chính phủ, giúp “hàn thử biểu” chứng khoán cũng có sự tăng trưởng ổn định. Một nguồn lực khác khiến chứng khoán càng hấp dẫn là những doanh nghiệp nhà nước có thương hiệu và quy mô lớn sẽ bán vốn và lên sàn, hứa hẹn thu hút nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh các hàng hóa tư nhân đang được chờ đợi như VietJet ở hàng không… Tuy nhiên, chứng khoán sẽ có những bất lợi nhất định như: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chưa rõ ràng, hạn chế nguồn vốn nước ngoài. Xu thế chuyển vốn từ các thị trường mới nổi như Việt Nam về Mỹ khá mạnh, thể hiện trong tháng 11 vừa qua làm suy yếu nguồn cầu. Nhiều nhà đầu tư bị kẹt vốn trong bất động sản theo dự báo có thể phải rút vốn khỏi TTCK để khắc phục. Nhiều công ty có vốn hóa nhưng đang bị yếu năng lực tài chính và hoạt động kém hiệu quả sẽ tìm cách huy động vốn cho nhu cầu đầu tư làm tăng nguồn cung thiếu thực chất.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Nhận định chung: TTCK gặp nhiều khó khăn hơn năm 2016 do nguồn cung sẽ tăng mạnh trong khi nguồn cầu yếu cũng như triển vọng kinh tế chưa thực sự tốt. Do vậy dự báo mức tăng của TTCK chỉ trong khoản 3 -5% so với năm 2016. Cũng theo báo Diễn đàn đầu tư, bất động sản cũng sẽ là lựa chọn của các nhà đầu tư cá nhân nhưng quy mô sẽ giảm nhiều do việc đầu cơ suy giảm mạnh, cũng như nguồn vốn từ ngân hàng thương mại thu hẹp. Thị trường bất động sản sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi.

Chuyên gia trả lời câu hỏi "Làm ăn gì năm 2017?"

Trên báo VTC News, đề cập đến vấn đề "Làm ăn gì năm 2017?", TS Lê Đăng Doanh cho rằng điều quan trọng trước hết đó là cần phải thúc đẩy cổ phần hoá.

"Tôi nghĩ làm tốt điều này, chứng khoán sẽ chứng kiến sự sôi nổi trong năm 2017. Chính những khó khăn thúc đẩy Chính phủ có bước tiến mới. Cổ phần hoá có thêm nhà đầu tư, công khai minh bạch hơn và sức ép lớn phải niêm yết - là cơ hội lớn của thị trường chứng khoán", TS Lê Đăng Doanh nhận định.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cũng cho rằng năm 2017, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cực kì nhiều cơ hội. Với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn thì có nhiều đất tham gia vào ngành, lĩnh vực trước là lĩnh vực đặc thù của nhà nước.

 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

"Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp phụ thuộc vào trồng trọt, chế biến gần như chưa ai khai phá. Các hiệp định FTA chúng ta ký kết cũng là lĩnh vực cam kết nhiều bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước.

Thế giới cũng bắt đầu chuyển vào thời kỳ cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần 4 rất nhanh. Các ngành dịch vụ máy móc không thể tác động được. Còn một số ngành khác như du lịch, khách sạn, lữ hành thì Việt Nam có thể chủ động tác động, và là những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và khai thác được ngay", ông nói thêm.

Trả lời ngắn gọn, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: "Lợi nhuận cao, rủi ro cao, tôi có tiền không có gì tốt hơn là gửi tiết kiệm". Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức,Chủ tịch Công ty Luật Basico, ông sẽ đầu tư bất động sản. Còn Giám đốc Chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime Lê Đức Khánh cho rằng chỉ đầu tư chứng khoán. "Tôi tâm đắc cổ phiếu thường và lợi nhuận phi thường. Kênh đầu tư chứng khoán vượt trội liên tục nhiều năm qua. Năm 2017 đầu tư chứng khoán áp dụng với nhà đầu tư kiên nhẫn có tầm nhìn, các ngành khởi sắc, các doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng đã vượt qua, ưu tiên của tôi của tôi là những cổ phiếu vốn hoá trung bình của những nhóm tăng trưởng có chu kỳ như thép, cao su tự nhiên; về giá trị ưu tiên dầu khí… cơ hội nửa đầu 2017 sẽ rất lớn", ông Khánh phân tích.

Nhấn mạnh quan điểm "không bỏ tất cả trứng vào một giỏ", TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết: "Tôi cho rằng đầu tư an toàn nhất là tiền gửi, chứng khoán cũng là 1 kênh hiệu quả".

Trả lời câu hỏi nếu có tiền nên đầu tư vào đâu trong năm 2017 trên báo Giao thông, chuyên gia Tài chính-Ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Nếu tôi có 1 tỷ tôi bỏ ngân hàng nhận lãi suất khoảng 6%, an toàn nhất". TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: "Hiện nay có 5 kênh đầu tư chủ đạo người dân có thể đầu tư trong năm tới đó là vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm.Trong các kênh này, tôi loại bỏ luôn kênh đầu tư vào vàng. Bởi thị trường vàng trong 5 năm tới sẽ biến động rất lớn, vàng trên thế giới có thể xuống dốc và kéo theo thị trường vàng trong nước xuống. Như vậy, nhà đầu tư mua vàng, chơi vàng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Đối với kênh ngoại tệ, có thể dự báo được tỷ giá ngoại tệ tăng hay giảm nhưng tăng/giảm bao nhiêu thì không tính cụ thể được. Có lúc ngoại tệ tăng, có lúc giảm, có lúc ngân hàng Nhà nước lại có chính sách giữ ổn định tỷ giá, do đó, bỏ tiền đầu tư vào ngoại tệ cũng sẽ rất rủi ro. Đặc biệt, Việt Nam không được phép kinh doanh ở kênh này. Những giao dịch ngoại tệ phát sinh từ nhu cầu phải đến ngân hàng để trao đổi từ tiền đồng sang tiền USD, còn nếu giao dịch trên thị trường chợ đen đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật. Như vậy, đây cũng không phải là kênh đầu tư tốt.

Trong khi đó, kênh chứng khoán là cuộc chơi của những người chuyên nghiệp, đối với những “tay mơ”, không am hiểu không nên “đụng” vào. Nếu muốn an toàn và ít rủi ro nhất nên chọn gửi tiết kiệm; thị trường bất động sản cũng là một kênh đầu tư nên vào, nhưng cần thận trọng."

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần