Kênh Youtube của VTV vi phạm bản quyền là điểm "nóng" tuần qua

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - VTV bị khóa kênh Youtube do liên quan tới vấn đề bản quyền là sự kiện KHCN nổi bật trong tuần từ 28/2 - 6/3.

Kênh Youtube của VTV bị khóa vì vi phạm bản quyền

Trong tuần vừa qua, người dùng internet đã không thể theo dõi các đoạn video được Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đăng tải trên kênh Youtube chính thức của mình - "VTV - Đài truyền hình Việt Nam". Khi truy cập vào địa chỉ này chỉ nhận được thông báo: "VTV - Đài Truyền hình Việt Nam đã bị chấm dứt do chúng tôi nhận được nhiều khiếu nại của bên thứ ba về việc vi phạm bản quyền liên quan đến tài liệu mà người dùng đã đăng".
Thông báo người dùng nhận được khi truy cập vào kênh Youtube "VTV - Đài truyền hình Việt Nam"
Thông báo người dùng nhận được khi truy cập vào kênh Youtube "VTV - Đài truyền hình Việt Nam"
Theo tìm hiểu của Kinh tế & Đô thị, Google có quy định rất chặt chẽ về vấn đề bản quyền đối với các nội dung video được đăng tải lên Youtube. Theo đó, nếu một kênh Youtube liên tục mắc các sai phạm về vấn đề bản quyền trong vòng 6 tháng sẽ bị khóa vĩnh viễn. Nhiều khả năng, kênh Youtube của VTV bị khóa là do có người dùng đã báo cáo lên Google những bằng chứng chứng minh kênh này có đăng tải video vi phạm bản quyền. 

Cũng trong thời gian gần đây, VTV liên tục nhận được những cáo buộc về vi phạm bản quyền hình ảnh của các cá nhân. Tiêu biểu nhất là vụ việc anh Bùi Minh Tuấn (Quảng Trị) đã đưa ra bằng chứng để chứng minh VTV1 sử dụng trái phép video do mình thực hiện và đăng tải trên Youtube trong chương trình "Chào buổi sáng" phát lúc 6h53 ngày 2/9/2015.

Lên tiếng về sự cố này, VTV lý giải rằng trong quá trình tác nghiệp, một số biên tập viên đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, sử dụng tư liệu trên mạng đưa vào nội dung chương trình mà chưa được sự chấp thuận của tác giả chủ sở hữu nội dung. Sau khi kênh Youtube "VTV - Đài Truyền hình Việt Nam" tạm ngưng hoạt động, VTV đã tích cực làm việc với các bên liên quan để giải quyết triệt để vấn đề bản quyền khai thác và sớm khôi phục lại kênh Youtube bị tạm ngưng.

Việt Nam đứng thứ 12 châu Á về tốc độ Internet

Akamai Technologies - hãng điều hành mạng lưới máy chủ lớn trên toàn cầu có trụ sở tại bang Massachusetts, Mỹ - mới đây công bố báo cáo cho biết Việt Nam có tốc độ Internet trung bình đứng hạng thứ 12 châu Á. Hãng trên ghi nhận rằng vào ​quý 3/2015, tốc độ trung bình của Việt Nam là 3,4 Megabit/giây (Mbps), cao hơn Ấn Độ (2,5 Mbps).
Kênh Youtube của VTV vi phạm bản quyền là điểm "nóng" tuần qua - Ảnh 1
Cũng theo đó, quốc gia có  tốc độ Internet cao nhất châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc); trong khi Ấn Độ có tốc độ thấp nhất khi đứng thứ 15.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn giữ vị trí số 1 thế giới về tốc độ Internet; trong khi Việt Nam xếp vị trí 97, đứng trên 3 nước châu Á khác là Indonesia, Philippines và Ấn Độ. Trung Quốc đứng trên Việt Nam và giữ vị trí 91 trên thế giới.

Về đường truyền tốc độ cao, trên 10 Mbps, Việt Nam mới đạt tỷ lệ 0,6%, đứng vị trí 71 trên thế giới trong bảng xếp hạng về tiêu chí này; trong khi đó, nước đứng thứ nhất là Hàn Quốc với 68%.

Kẻ xấu lợi dụng vụ tai nạn Ái Mộ để phát tán mã độc

Các chuyên gia bảo mật cảnh báo tội phạm mạng có thể lợi dụng những sự kiện được dư luận quan tâm như vụ tại nạn thảm khốc ở đường Ái Mộ, quận Long Biên, Hà Nội để phát tán mã độc, đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.
Những thông tin về vụ tai nạn thảm khốc tại đường Ái Mộ, quận Long Biên, Hà Nội hoàn toàn có thể bị kẻ xấu lợi dụng để phát tán mã độc đến thiết bị người dùng
Những thông tin về vụ tai nạn thảm khốc tại đường Ái Mộ, quận Long Biên, Hà Nội hoàn toàn có thể bị kẻ xấu lợi dụng để phát tán mã độc đến thiết bị người dùng
Theo đó, người dùng Facebook có thể nhận được một số liên kết có thông tin gây sốc liên quan đến vụ tai nạn giao thông trên với tựa đề như “Chiếc xe Camry gây tại nạn là của danh hài Quang Thắng”. Nhưng khi truy cập vào liên kết này, trình duyệt hoặc ứng dụng Facebook sẽ tự động chuyển đến các website khác có nội dung không liên quan. 

Theo chuyên gia Hoàng Mạnh Đức, sáng lập viên của Tổ chức đào tạo IPSEC, một số đối tượng kinh doanh có thể lợi dụng các sự kiện đang “nóng” để quảng cáo cho các website của mình. Họ có thể sử dụng thủ thuật đính kèm liên kết của một website vào một tin hot trong vùng họ được phép quảng cáo. Ông Hoàng Mạnh Đức cũng không loại trừ khả năng phát tán mã độc bằng thủ đoạn này. 

Đồng quan điểm với ông Hoàng Mạnh Đức, ông Ngô Tuấn Anh- Phó Chủ tịch Phụ trách an ninh mạng của Tập đoàn BKAV cũng cho rằng, việc lợi dụng những sự kiện có ảnh hưởng xã hội lớn như vụ tai nạn giao thông tại đường Ái Mộ để “bẫy” người dùng truy cập vào những website “không mong muốn” không phải là thủ đoạn mới. 

Để đảm bảo an toàn, ông Ngô Tuấn Anh kiến nghị người dùng không nên click vào các liên kết có nguồn gốc không đáng tin cậy. Đồng thời, cần cài đặt các phần mềm bảo vệ thiết bị cá nhân của mình khỏi nguy cơ tấn công mã độc. 

"Siêu sim" được bán với giá kỷ lục 8 tỷ đồng

Siêu sim 0969 999 999 của ông Nguyễn Hải Nam, chủ nhà hàng tiệc cưới ở Vũng Tàu vừa chuyển nhượng thành công cho ông Quang EVN, một chủ cửa hàng viễn thông quận Tân Phú (TP HCM). Toàn bộ thủ tục được hoàn tất vào chiều 1/3. Giá trị chuyển nhượng sim là 8 tỷ đồng. Đây là sim lục quý, số 9 mang ý nghĩa trường cửu, còn số 6 là lộc. Như vậy, 69 là trường lộc.

Theo giới kinh doanh sim số, trong 5 năm trở lại đây, đây là "siêu sim" chuyển nhượng công khai có giá trị lớn nhất. Trước đó, trong năm 2015, sim số 0989 999 999 của Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cũng đã được chuyển nhượng cho một đại gia sim số ở TP HCM với giá gần 5 tỷ đồng và giờ đang được định giá lên tới 10 tỷ. Còn sim 0933 999 999 của ông Đỗ Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Mê Linh cũng vừa chuyển nhượng cho một đại gia ở Thái Nguyên vào hôm 2/11 với giá gần 3 tỷ đồng.

Hoàn thiện Quy chế tài chính Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các Bộ tham khảo kinh nghiệm quốc tế và chính sách trả lương, phụ cấp của Trường Đại học Việt – Đức, Trường Đại học Việt – Pháp, Viện nghiên cứu cao cấp về toán để hoàn thiện Quy chế tài chính của V-KIST.
Kênh Youtube của VTV vi phạm bản quyền là điểm "nóng" tuần qua - Ảnh 2
Theo đó, quy chế phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam theo nguyên tắc: Tiền lương và phụ cấp phải gắn với kết quả công việc, hợp đồng sản phẩm, thời gian ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho Viện; chính sách ưu đãi chủ yếu tập trung cho đối tượng tham gia trực tiếp vào hoạt động khoa học và công nghệ tại Viện.

Quy chế tài chính của V-KIST sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2016.