Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kéo dài thời gian giảm thuế VAT: bảo đảm sự phục hồi của doanh nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo, DN vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do đó rất cần sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ.

Trong đó, việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối năm 2024 là cần thiết, để kích cầu tiêu dùng, bảo đảm sự phục hồi của DN.

Khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Việt Nam đang có một số lợi thế như: kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được củng cố. Cùng với đó, các ngành kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội cho các DN Việt Nam hình thành chuỗi giá trị, liên kết mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, tình hình trong nước và quốc tế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức: tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước lớn khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn, tạo rủi ro, sức ép lớn đến thị trường đầu ra và chi phí đầu vào của DN.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý I/2024, cả nước có 59.900 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi tháng có gần 20.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, số DN rút lui khỏi thị trường lên đến 73.900 DN, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có gần 24.700 DN rút lui khỏi thị trường. Tình trạng số DN rút khỏi thị trường cao hơn nhiều so với số thành lập trong cùng thời điểm cho thấy những khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh đối với DN là rất lớn.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Phạm Hùng

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, hiện, DN nhỏ và vừa đang đối mặt với 5 khó khăn gồm: thiếu đơn hàng là 52%; thiếu tiếp cận vốn là 32%; thủ tục hành chính còn rườm rà là 25%; lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế: 9%; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ là 41%.

Các nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của các thị trường về sản xuất xanh, bền vững đang đặt ra các thách thức lớn đối với DN trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ DN, mới đây, Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm 2% thuế VAT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Thời gian áp dụng từ 1/7 đến hết 31/12, kéo dài 6 tháng so với quyết định chốt cuối năm ngoái của Quốc hội.

Theo ông Mạc Quốc Anh, việc tiếp tục giảm thuế VAT là giải pháp cần thiết bảo đảm sự phục hồi của DN trong bối cảnh hiện nay. Đây là giải pháp không chỉ giúp DN mở rộng sản xuất, kinh doanh, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Việc giảm 2% thuế VAT thời gian qua được xem như một mũi tên trúng 3 đích, vừa góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, vừa góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

“Năm 2024, những khó khăn vẫn chưa giảm bớt, không chỉ với các DN nhỏ và vừa mà kể cả với DN có quy mô lớn. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 để hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn, tạo động lực cho phát triển và thực hiện an sinh xã hội” - ông Mạc Quốc Anh đề xuất.

Cùng chung quan điểm, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, các chính sách gia hạn, giảm thuế đã ngấm vào DN, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế.

Cùng với đó, giúp DN phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chính sách thuế đi vào cuộc sống đã góp phần làm giảm chi phí cho ND, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước; trong đó người dân được hưởng lợi. Do đó, đề xuất của Chính phủ là niềm mong mỏi, đáp ứng nguyện vọng của DN bấy lâu nay.

“Thời điểm này, tình hình DN vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do đó, cộng đồng DN rất cần sự đồng hành của Chính phủ, kéo dài các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách giảm thuế VAT” - TS Tô Hoài Nam kiến nghị.

Ngân sách Nhà nước dự kiến giảm thu 24.000 tỷ đồng

Thực tế, sau 3 lần áp dụng chính sách này, người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp. Việc giảm thuế VAT góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế sẽ đi liền với việc nguồn thu ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng. Theo đánh giá của Chính phủ, việc áp dụng giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm sẽ làm hụt thu ngân sách 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng mỗi tháng).

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm, việc giảm thuế này khiến thu ngân sách hụt 23.488 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn thu giảm trong cả năm dự kiến 47.488 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn năm 2020 - 2023, các giải pháp tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh lên tới 700.000 tỷ đồng. Từ đầu năm nay, con số thực hiện khoảng 68.000 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đưa ra quan điểm, Nhà nước vẫn cần phải tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm phục hồi và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, tình hình hiện vẫn còn nhiều bất lợi. Ý tưởng đằng sau của việc kéo dài này xuất phát từ chính sách tiền tệ dư địa còn hạn chế.

“Rất hy vọng sau khi áp dụng các biện pháp thì tình hình cuối năm sẽ khả quan hơn” - chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành phân tích thêm.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong lúc DN khó khăn cần giảm nhiều thuế hơn nữa là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, nên để một thời gian nữa đánh giá lại tình hình sức khỏe của DN, khi đó mới nên quyết định giảm hay không giảm.

Mặt khác, để quyết định giảm thuế, đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ phải tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng để bảo đảm vừa hỗ trợ người dân, DN nhưng cũng phải cân đối ngân sách Nhà nước.

Một số chuyên gia kinh tế khác cũng đồng quan điểm và cho rằng, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn, việc Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 và mở rộng phạm vi nhóm hàng hóa được giảm là hoàn toàn đúng đắn.

Từ đó sẽ có tác động tốt hơn cho DN, người dân, kích thích tiêu dùng, tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế. Khi đó, quay trở lại đóng thuế, tăng thu ngân sách Nhà nước.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn cũng như bảo đảm sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước.

Qua đó, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới… ; triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách.

 

Đầu tư tư nhân còn rất khiêm tốn so với mọi năm, cho nên giảm thuế phí cần tiếp tục trong 6 tháng cuối năm 2024. Nó như một giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực tư nhân trong nước hồi phục.

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Tuấn Anh