Kéo dài tuyến buýt 75 ra Bến xe Mỹ Đình: Bớt chỗ thiếu, thêm vào chỗ thừa?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty CP Xe khách Hà Tây vừa có văn bản đề xuất với cơ quan chức năng cho kéo dài lộ trình tuyến buýt số 75 Yên Nghĩa - Chùa Hương thành Mỹ Đình - Chùa Hương.

Câu hỏi dư luận đặt ra là phương án này có thực sự khả thi khi mà các tuyến đường Phạm Hùng, Quang Trung, Trần Phú (Hà Đông) đang quá tải, Bến xe Mỹ Đình đang quá đông?

Gia tăng áp lực giao thông

Tuyến buýt không trợ giá số 75 Yên Nghĩa - Chùa Hương được Công ty CP Xe khách Hà Tây đưa vào khai thác đã nhiều năm nay. Vừa qua, Công ty này đã có công văn gửi Sở GTVT Hà Nội xin được thay đổi lộ trình tuyến thành Mỹ Đình - Chùa Hương.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhận định: “Hiện, Bến xe Mỹ Đình đã quá chật chội, tuyến đường Trần Phú - Nguyễn Trãi - Phạm Hùng cũng đang quá tải mật độ giao thông. Liệu có nên đưa thêm tuyến xe 75 ra Mỹ Đình nữa không? Bởi, như thế sẽ gia tăng mạnh áp lực cho cả Mỹ Đình lẫn trục đường trọng điểm này”.
Xe buýt số 75 Yên Nghĩa - Hương Sơn hoạt động trên trục QL 21B đã nhiều năm nay. Ảnh: Đặng Sơn
Xe buýt số 75 Yên Nghĩa - Hương Sơn hoạt động trên trục QL 21B đã nhiều năm nay. Ảnh: Đặng Sơn
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Nguyễn Quốc Uy cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng về mật độ giao thông trên tuyến đường trước cửa bến. Tăng thêm xe ra vào nữa sẽ kéo theo rất nhiều áp lực, hơn nữa tần suất đi - đến của tuyến buýt có thể lên đến hàng chục chuyến mỗi ngày”.

Có thể thấy, những lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở. Hiện nay, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn đang xây dựng dang dở, một số công trình nhà ga đang án ngữ đường Trần Phú, tạo thành những nút thắt giao thông tại điểm: Bệnh viện Hà Đông, Bến xe cũ Hà Đông, chợ Phùng Khoang. Còn đường Phạm Hùng, bắt đầu từ cửa Bến xe Mỹ Đình đến nút Dương Đình Nghệ thì thường đông đúc, ùn ứ phương tiện. Trong giờ cao điểm sáng, chiều mỗi ngày, một số xe buýt các tuyến 80, 22, 39… vẫn thường xuyên phải rẽ ngang đường Mộ Lao, ra cầu Mỗ Lao đi Lê Văn Lương để tránh ùn tắc trên trục đường Trần Phú. Việc tăng thêm xe buýt cỡ lớn vào tuyến này liệu có làm tình trạng ách tắc giao thông thêm trầm trọng?

Đảm bảo lợi ích doanh nghiệp?

Hiện từ Bến xe Mỹ Đình đi Hà Đông và Bến xe Yên Nghĩa đã có một số tuyến buýt như: tuyến 80 Mỹ Đình - Ba Thá, tuyến 78 Mỹ Đình - Tế Tiêu, tuyến 39 Nghĩa Đô – Văn Điển… Trên thực tế, lượng khách từ khu vực Hà Đông, Thanh Oai, Chương Mỹ đến Mỹ Đình và ngược lại hoàn toàn không cao. Một lái xe tuyến buýt 80 cho biết: “Lượng khách từ Mỹ Đình về Hà Đông rất ít, chỉ những dịp lễ, Tết mới đông hơn đôi chút”. Bên cạnh đó, từ Bến xe Yên Nghĩa hiện có hàng chục tuyến buýt đã trợ giá như 01, 02, 21… hoạt động với tần suất cao. Sắp tới, khi tuyến buýt nhanh BRT đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ đáng kể cho hành khách phía Tây Nam đi vào nội đô hoặc đến các bến xe lớn".

Trong khi đó, Bến xe Yên Nghĩa lâu nay vẫn bị gắn mác “Bến xe yên nghỉ”, bởi quá thưa vắng, không vận hành được hết công suất. Giám đốc Bến xe Yên Nghĩa Hoàng Văn Long cho biết: “Tất yếu di chuyển tuyến buýt ra Mỹ Đình sẽ khiến Bến xe Yên Nghĩa vắng vẻ hơn nhưng đề xuất là quyền của DN, cho hay không là quyền của Sở GTVT Hà Nội, chúng tôi không thể làm được gì”. Trên thực tế, càng có nhiều tuyến buýt nối với Bến xe Yên Nghĩa, lượng hành khách đổ về đây càng đông. Một khi đông khách, lượng xe khách liên tỉnh tập trung về đây cũng sẽ nhiều hơn, bến vừa có thể phát triển kinh doanh lại vừa chia sẻ bớt áp lực cho Bến xe Mỹ Đình hoặc Giáp Bát. Nay đã không thể tăng thêm xe buýt cho Yên Nghĩa lại lấy bớt đi để đưa đến bến xe quá tải nhất Hà Nội là Mỹ Đình, liệu có phải giải pháp hợp lý.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị Nguyễn Văn Thịnh cho biết: “Trên cung đường tuyến buýt số 75 đang hoạt động sắp có tuyến buýt trợ giá đi vào hoạt động. DN không thể cạnh tranh nổi với buýt trợ giá nên xin thay đổi lộ trình. Hiện vấn đề vẫn đang được xem xét”. Từ câu trả lời của ông Thịnh, lại có thêm một câu hỏi nữa cần được giải đáp rõ ràng, liệu có nên vì việc kinh doanh của một DN mà tạo nên những hệ lụy về trật tự giao thông, kinh tế - xã hội cho 2 Bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa và cả khu vực Tây Nam TP hay không? Có nên tạo một tiền lệ để rồi các DN khác đua nhau đòi vươn ra Bến xe Mỹ Đình hay không?
Cơ quan chức năng cần thận trọng xem xét đề xuất này. Bến xe Yên Nghĩa là một điểm trung chuyển đã được kết nối với trung tâm TP bằng rất nhiều tuyến buýt, đủ năng lực vận tải hành khách đi các nơi. Tại sao lại cứ phải ra Bến xe Mỹ Đình?
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên

Các DN vận tải không thể mỗi lúc lại xin đổi đầu bến, ảnh hưởng đến quy hoạch giao thông vận tải nói chung. Tôi không ủng hộ việc xin kéo dài tuyến ra Bến xe Mỹ Đình của tuyến buýt số 75.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang