Kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2021 bằng giải pháp nào?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong kế hoạch hàng động “Năm An toàn giao thông 2021", Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đưa ra 9 giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT).

Kiểm soát nồng độ cồn sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để kéo giảm TNGT trong năm 2021. (Ảnh: Lê Thanh).
Bộ GTVT vừa ban hành kế hoạch hành động "Năm An toàn giao thông 2021". Trong bản kế hoạch này, Bộ GTVT đưa ra 9 giải pháp kéo giảm TNGT, thực hiện toàn diện  ở cả 5 lĩnh vực của ngành là đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa.
Các giải pháp đồng bộ, toàn diện
Những giải pháp này, theo Bộ GTVT nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật đối với bảo đảm trật tự ATGT trong ngành GTVT; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn.
Đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản, Bộ GTVT yêu cầu phải bảo đảm tiến độ, chất lượng trong đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn trong đô thị. Đồng thời, thực hiện hiệu quả duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn khai thác, xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT và xử lý các vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.
Đối với lĩnh vực vận tải, Bộ GTVT yêu cầu có giải pháp tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá dịch vụ, nhằm thu hút hành khách, hàng hoá sử dụng vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng; hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn để áp dụng kịp thời thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hoạt động quản lý vận tải; hỗ trợ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.
Đối với phương tiện và người lái, Bộ GTVT yêu cầu  thực hiện đồng bộ các giải pháp, hướng tới hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn; kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới, điều kiện về người điều khiển phương tiện. Đồng thời, tiếp tục hiện đại hóa công tác giám sát để nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ, đăng kiểm phương tiện.
Đối với công tác tuyên truyền, Bộ GTVT yêu cầu nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT, kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm.
Mục tiêu của năm 2021 là kéo giảm TNGT từ 5 - 10%. (Ảnh: Hòa Thắng).
Hướng tới mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10%
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về bảo đảm ATGT. Các chính sách mới phải đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu lực thi hành pháp luật và phù hợp thực tiễn. Đồng thời, gắn mục tiêu ATGT, giảm ùn tắc giao thông, phát triển giao thông thông minh vào các đề án, chiến lược, quy hoạch, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn.
Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan, đơn vị cần rà soát, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống quản lý an toàn của các đơn vị trong ngành hàng không dân dụng, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động hàng không
Với những giải pháp toàn diện trên, Bộ GTVT đặt mục tiêu thực hiện kế hoạch nhằm tiếp tục giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT so với năm 2020. Giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng, TNGT liên quan đến xe kinh doanh vận tải; Từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần