Kéo nông thôn xích gần thành thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 40 năm đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cùng với những đổi thay của Thủ đô và cả nước, khu vực ngoại thành Hà Nội đã được khoác lên mình tấm áo mới tươi sáng hơn.

Kết quả ấy có một phần không nhỏ là nhờ sự quyết tâm của toàn TP trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tự hào là một điểm sáng

Không phải đợi đến khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (Quyết định 800/2010/QĐ-TTg ngày 4/6/2010) mà từ ngay sau khi đất nước thống nhất, việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội ngoại thành đã được TP quan tâm sâu sắc. Trong đó đáng chú ý là Chương trình hành động số 06 của Thành ủy về “Phát triển kinh tế ngoại thành và xây dựng NTM giai đoạn 1992 – 1995”.

Chương trình này đã mở đường và tạo đòn bẩy quan trọng trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Tiếp đó, triển khai Quyết định 800 của Thủ tướng, Hà Nội cũng là một trong địa phương tiên phong ban hành cả một chương trình dài hơi cho xây dựng NTM. Đó là Chương trình số 02-CTr/TU ngày 29/8/2011 về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân.
Bộ mặt nông thôn mới xã Cổ Đô, huyện Ba Vì. 	Ảnh: Quang Thiện
Bộ mặt nông thôn mới xã Cổ Đô, huyện Ba Vì. Ảnh: Quang Thiện
Triển khai Chương trình 02, TP đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân. Cùng với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP, phong trào toàn dân tham gia xây dựng NTM cũng ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp khu vực ngoại thành. Nhờ đó đến nay, Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành quả tích cực với 109 xã đạt chuẩn NTM và chỉ còn duy nhất 1 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Trong đó, riêng năm 2014, toàn TP có 71 xã đạt chuẩn NTM, tăng 11 xã so với mục tiêu kế hoạch.

Với kết quả này, Hà Nội đang chiếm 1/5 số xã đạt chuẩn NTM của cả nước và trở thành điểm sáng về xây dựng NTM. Khu vực ngoại thành từng bước được phát triển theo hướng toàn diện, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Điều này đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực chung của TP về thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn.

Mục tiêu lớn cần hoàn thành 
Ngân sách Nhà nước các cấp hàng năm dành tối thiểu 35% đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng NTM. Trong đó đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp từ 6 – 8%.

Tính đến hết quý I/2015, Hà Nội đã có 4 huyện là Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức và Đông Anh có từ 50% số xã đạt chuẩn NTM trở lên. Mục tiêu phấn đấu từ nay đến cuối năm là ít nhất có thêm 57 xã NTM theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khóa XV đã đề ra là đến hết năm 2015 có 40% số xã đạt chuẩn NTM, cao gấp đôi so với mục tiêu chung của cả nước. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP, khả năng hoàn thành chỉ tiêu trên là có thể đạt được. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng kết quả xây dựng NTM của một số huyện còn khá thấp như Mỹ Đức mới có 1 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 4,8%), Ba Vì đạt 10%, Ứng Hòa 10,7%, Phú Xuyên 11,5%, Sơn Tây 16,7%...

Bên cạnh đó, theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT, công tác tuyên truyền xây dựng NTM ở một số cơ sở còn hạn chế như Ba Vì, Sơn Tây… dẫn tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư cho NTM còn rất hạn hẹp, chủ yếu vẫn từ ngân sách Nhà nước trong khi đấu giá đất gặp nhiều khó khăn và huy động nguồn vốn xã hội hóa đạt thấp. Do đó, để hoàn thành được mục tiêu lớn đã đề ra, nhiệm vụ quan trọng đối với các huyện, thị xã là tập trung huy động các nguồn lực xây dựng NTM. Trước hết ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội nông thôn như đường giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nước sạch…

Đối với 95 xã đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm nay, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP cũng yêu cầu các huyện, thị xã rà soát từng tiêu chí, phân rõ trách nhiệm của hộ dân đến các cấp chính quyền để có kế hoạch phân bổ nguồn lực. Đồng thời định kỳ tổ chức giao ban theo tuần đối với cấp xã và tháng đối với huyện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình 02.