Tuy nhiên, từ thực tế tham gia giao thông hàng ngày, có thể khẳng định, việc thiếu văn hóa trong tham gia giao thông của một bộ phận người dân là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Ý thức kém vì thiếu văn hóa Tại Hà Nội mỗi khi tắc đường không ít người tìm mọi cách để lao lên phía trước, bất chấp đi trên hè, sai làn, vào đường cấm, đường ngược chiều… hệ quả là đường đã tắc càng thêm tắc. Khi TNGT xảy ra, thay vì cấp cứu nạn nhân, người ta xúm lại xem để rồi gây ra UTGT không đáng có. Đây chính là cái vòng luẩn quẩn của giao thông đô thị hiện nay. Không phải đến bây giờ các nhà quản lý mới nhìn ra vấn đề xây dựng văn hóa giao thông (VHGT) cho người dân nhưng với cách làm, cách tuyên truyền còn nặng về hình thức nên chưa "ngấm" vào ý thức của người dân nên ùn tắc và TNGT vẫn thường xuyên xảy ra.
Phải khẳng định chưa bao giờ cụm từ "Văn hóa giao thông" lại được nhắc đến nhiều ở các nơi, các ngành, các cấp như thời gian qua. Ủy ban ATGT Quốc gia đã định nghĩa "VHGT được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng VHGT nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện người có ứng xử văn minh khi tham gia giao thông". Trên cơ sở này còn đưa ra ba tiêu chí VHGT: Một là, về nhận thức và hành động, hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT. Hai là, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng; tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác. Ba là, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật. Cải tiến cách thức tuyên truyền Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, mặc dù đã tăng cường giáo dục nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông nhưng xem ra còn xa mới đạt yêu cầu như mong đợi. Dù rằng, đâu đó đã có cách làm sáng tạo để tổ chức giáo dục VHGT như: Dùng âm nhạc để "chấn chỉnh" giao thông (của PGS Nguyễn Lân Cường); "Giải phẫu" giao thông bằng ca - hài kịch; Dùng rối nước để tuyên truyền ATGT; rồi các cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông, vẽ tranh giao thông trong nhiều trường học. Nhưng đây chỉ là những cách tuyên truyền đơn lẻ của một số tổ chức, cá nhân mà chưa có sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành. Đã đến lúc cần đưa thêm những giải pháp tuyên truyền VHGT đồng bộ, trong đó đặc biệt quan tâm hình thức giáo dục "trăm nghe không bằng một thấy". Thời gian qua, chúng ta đã quan tâm nhiều đến giáo dục bằng "nghe" thông qua tuyên truyền, giáo dục, cam kết, nhắc nhở nhiều lần nhưng chưa hiệu quả. Năm 2013 tập trung đầu tư tuyên truyền bằng "thấy" để tác dụng giáo dục sâu sắc hơn. Cụ thể, đầu tư quay thành các đoạn video phim ngắn về các vụ TNGT thảm khốc, cách tham gia giao thông trên đường… sau đó đưa lên mạng, các cơ quan trường học, nhà văn hóa thu vào USB để trong các buổi họp hàng tuần, hàng tháng, hàng quý dành 10 - 15 phút phát cho người dân xem. Đầu tư xây dựng triển lãm lưu động để nhiều nơi được "thấy", bên cạnh việc vẫn tăng cường giáo dục bằng nghe. Quan tâm tổ chức giáo dục VHGT bằng thực hành, cụ thể trong trường học sau khi giáo dục bằng "nghe", bằng "thấy", nhất thiết phải luân phiên tổ chức tham gia thực hành trên các đường, nút giao thông. Tại các trường học nên tổ chức cho học sinh cùng với các lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT tham gia hướng dẫn giao thông, bắt, phạt các vi phạm Luật Giao thông. Từng khu vực của thành phố cần tổ chức phân công mỗi trường đảm nhận một vài ngã tư, tuyến đường. Tùy tình hình thực tế tại các cơ quan cần có kế hoạch tham gia thực hành ngoài xã hội, góp phần chấn chỉnh và duy trì trật tự giao thông. Việc tăng cường lực lượng chuyên trách kết hợp với bán chuyên trách làm nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra và "phạt nghiêm mọi người vi phạm" thì mới có tác dụng răn đe.
Người điều khiển phương tiện đi đúng làn đường sau khi các cơ quan chức năng thực hiện phân làn trên đường Trần Khát Chân.Ảnh: Quỳnh Anh |