70 năm giải phóng Thủ đô

Kết hợp tìm hiểu di sản Then với khám phá cao nguyên đá Đồng Văn

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Trao đổi với báo chí chiều 4/5 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Liên hoan nghệ thuật hát Then-đàn Tính các dân tộc Tày-Nùng-Thái toàn quốc lần thứ VI - năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 12-14/5 tại TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang).

Gắn với quảng bá tiềm năng du lịch địa phương
"Đây là dịp để du khách có thể kết hợp việc tìm hiểu di sản văn hóa Then với các hoạt động du lịch, khám phá những địa danh nổi tiếng ở vùng đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc," bà Nguyễn Hải Nhung cho hay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Các chương trình, tiết mục tham gia liên hoan sẽ tập trung giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế những làn điệu Then của các vùng cùng các hình thức hát Then, múa Then, tấu Then như: Then cổ, Then cải biên, ca khúc sang tác dựa trên chất liệu Then (chú trọng các làn điệu Then cổ).
Liên hoan có sự tham gia của các nghệ nhân, đoàn nghệ thuật đến từ 14 tỉnh/TP có đông đồng bào dân tộc Tày-Nùng-Thái sinh sống, có loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính, bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, và Đắk Lắk.
Bên cạnh đó, hiều hoạt động khác cũng diễn ra trong khuôn khổ liên hoan: triển lãm ảnh với chủ đề "Di sản văn hóa Then các dân tộc Tày-Nùng-Thái Việt Nam và tỉnh Hà Giang," tổ chức các không gian trưng bày và giới thiệu nghề dệt vải truyền thống các dân tộc Tày-Nùng-Thái, biểu diễn nghệ thuật hát Then, đàn Tính...
Đặc biệt, nhiều tour, hoạt động du lịch trải nghiệm cũng sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian diễn ra liên hoan, tạo điều kiện cho du khách khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, làng văn hóa du lịch cộng đồng...

Nhận diện giá trị di sản

Tháng 3/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thay mặt Chính phủ ký hồ sơ "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, trong quan niệm dân gian, "Then" có nghĩa là "Thiên" (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Then vừa là một loại hình nghệ thuật dân gian vừa một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày-Nùng-Thái ở Việt Nam (phát triển mạnh vào thời kỳ nhà Mạc - thế kỷ 15 ở các tỉnh vùng núi phía Bắc)

Thông qua những quan niệm về Mường Trời (nơi cư ngụ của các thần linh), Mường Đất (nơi cư ngụ của con người), Mường Nước (nơi cư ngụ của Long Vương... người Tày, Nùng, Thái giải thích về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như bày tỏ ước vọng về chỗ dựa tinh thần, tạo dựng niềm tin để vượt qua những khó khan trong cuộc sống.

Trong đời sống của đồng bào Tày, Nùng, Thái, hát Then xuất hiện trong những sự kiện trọng đại như lễ cầu an, cầu mùa, giải hạn, gọi hồn... Người hát Then trong những dịp lễ, Tết là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Hát Then quán xuyến toàn bộ quá trình hành lễ Then. Lời Then có khoảng 35 chương, đoạn. Tuy nhiên, tùy vào những nghi lễ, sự kiện và mục đích cụ thể, người diễn xướng sẽ lựa chọn những chương, đoạn phù hợp.

Không chỉ có vậy, hát Then còn được nhìn nhận như một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật như văn học, âm nhạc, múa, hội họa, trình diễn...

Nhạc cụ chính sử dụng trong hát Then là đàn Tính (hay còn gọi là Tính Tẩu). Mỗi chiếc đàn Tính bao gồm hộp đàn, mặt đàn, cần đàn, đầu đàn, ngựa đàn, dây đàn và dây đeo. Đây là phương tiện giúp người hát Then giao tiếp với thần linh. Bên cạnh đó, việc thực hành Then còn sử dụng nhiều loại đạo cụ khác như: ấn, bộ xóc nhạc, bộ gieo quẻ Âm-Dương, chuông...

Trong nghi lễ Then, lời ca có vai trò chỉ dẫn cho người xem về các hoạt cảnh, chương đoạn đang diễn ra. Âm nhạc trong Then có sự ảnh hưởng, tiếp thu các làn điệu dân ca ở từng địa phương , tạo nên sự đa dạng về màu sắc, khúc thức và tiết tấu.